Bước tiến của văn học mạng

Văn học mạng được biết đến ở Việt Nam gần 20 năm trước, gắn liền với một số tên tuổi như Trang Hạ, Hà Kin, Trần Thu Trang, Hân Như, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Keng… Sau gần 20 năm, đã và đang có một thế hệ chuyên sáng tác trên mạng, tạo ra những cộng đồng riêng khá lớn mạnh. 

Thay đổi diện mạo của văn học

Là người viết thuộc thế hệ 9X, Nguyễn Dương Quỳnh (hiện là giảng viên khoa Thiết kế nghệ thuật, Trường Đại học Hoa Sen) gây ấn tượng ngay từ tác phẩm đầu tiên trình làng, đó là tập truyện Đỏ (Nhã Nam và NXB Lao động, 2012). Đến nay, cô đã có gần 10 đầu sách, thuộc các thể loại khác nhau, được xuất bản: Thị trấn của chúng ta, Thỏ rơi từ mặt trăng, Thăm thẳm mùa hè, bộ truyện thiếu nhi Thiên cầu ma thuật… 

Tác giả Nguyễn Dương Quỳnh (thứ 2, từ phải qua) tại lễ công bố 12 tác phẩm vào chung khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7
Giống như Nguyễn Dương Quỳnh, trước khi có sách được xuất bản, Trường An (tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Báo chí, Trường Đại học KHXH &NV TPHCM) cũng là cây bút trên mạng được nhiều độc giả yêu thích. Những tác phẩm, đa phần là tiểu thuyết về lịch sử đăng tải trên các diễn đàn và blog cá nhân, sau này được các NXB tìm đến và in thành sách như: Vũ tịch, Thiên hạ chi vương, Hồ Dương, Thiên nhạc, Ngoài bờ đông là mặt trời. Đầu năm nay, Trường An trở thành hội viên Hội Nhà văn TPHCM. 

Theo TS Hà Thanh Vân, kể từ khi Internet chính thức được cung cấp dịch vụ ở Việt Nam vào năm 1997, văn học mạng đã góp phần đáng kể vào việc thay đổi diện mạo cũng như góp phần quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới. Ngoài việc mang lại một phương thức sáng tác mới, khác với những phương thức sáng tác truyền thống; ngoài việc độc giả tiếp cận tác phẩm văn chương dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn thì một số nhà văn nhờ vào sự hoạt động tích cực trên mạng, cả trong văn học và ngoài văn học, đã được biết đến như Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đặng Thiều Quang, Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Đăng Khoa, Đức Anh Kostroma… Ngoài ra, nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi giữa các nhà văn Việt Nam và các nhà văn nước ngoài cũng phổ biến hơn nhờ vào sự kết nối mạng.

Dù đã trải qua gần 20 năm nhưng đến thời điểm hiện tại, không ít ý kiến cho rằng văn học mạng vẫn đang “bên lề”, chưa thuộc dòng văn học chính thống. Điều này, theo nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, là một bất công. Chị lý giải: “Bây giờ đã là thế giới phẳng rồi. Mọi thứ phải công bằng, bình đẳng với nhau. Văn học mạng hay văn học giấy đều có giá trị riêng”. Cũng theo nhà phê bình Hoàng Thụy Anh, một bất công nữa đối với văn học mạng chính là quan niệm về tính bác học, sang trọng của văn học mạng không cao. 

“Bác học, sang trọng hay không tùy vào quan niệm của mỗi người. Tôi nghĩ, quan niệm này hiện giờ đã khá lỗi thời. Bởi vì, văn học mạng và văn học giấy ngang bằng, chúng ta không nên so bì dòng nào cao thế hơn. Trên thực tế, nhiều sản phẩm của những nhà văn gạo cội cũng đưa lên mạng hay có những sản phẩm bằng sách điện tử, đó cũng là văn học mạng”, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh chia sẻ. 

Những tác giả tiềm năng 

Sự phát triển của công nghệ không chỉ giúp các tác giả có những phương tiện đắc lực trong việc sáng tác và công bố tác phẩm, mà còn mở ra cơ hội tiếp cận với nguồn kiến thức đồ sộ của thế giới, trong đó có văn học. Thời gian sau này, các tác giả thực sự đi vào “chất” nhiều hơn, sau khi lứa tiên phong đặt những viên gạch đầu tiên cho văn học mạng từ gần 20 năm trước. Họ quyết liệt, táo bạo để khẳng định bản thân ở các thể loại khác nhau. Hiện tại, ngoài Facebook, blog cá nhân, các tác giả lẫn độc giả đều đang sinh hoạt sôi nổi tại các diễn đàn như Wattpad.com, Vietwriter.vn, Vozer.vn, Mê truyện chữ, Bàn Long Hội… 

Tác giả Trường An (ngoài cùng bên trái) trong một chương trình giao lưu về văn học tại TPHCM
Theo tác giả Trường An, khi sáng tác trên mạng, tác giả được tự do, thoải mái sáng tác theo ý mình. Tuy vậy, việc tác phẩm sau đó được các NXB tìm đến và in thành sách lại là cơ hội để tác phẩm trở nên hoàn thiện hơn, được tiếp cận thêm nhiều người đọc. “Nếu bây giờ tôi đăng tải tác phẩm trên mạng, 10 năm sau cũng chỉ có những độc giả sàn sàn hoặc nhỏ tuổi hơn tôi đọc. Nhưng sau khi sách xuất bản, sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng độc giả hơn, người ta cũng sẽ nhìn tác phẩm của mình nghiêm túc hơn”, Trường An bày tỏ.

TS Hà Thanh Vân cho rằng, khác với văn học in giấy truyền thống, văn học mạng tạo ra cơ hội cho độc giả tiếp cận nhanh chóng nhất đối với tác phẩm và phản hồi trực tiếp đối với nhà văn. “Do vậy, đời sống văn học mang nhiều màu sắc sinh động hơn, thực tế hơn”, TS Hà Thanh Vân cho biết.

Đề cập đến tương lai của văn học mạng ở Việt Nam, TS Hà Thanh Vân cho rằng, nếu duy trì và phát triển ưu thế của văn học mạng, cũng như hạn chế được khuyết điểm, văn học mạng ở Việt Nam sẽ còn phát triển trong tương lai. “Khi ấy, diện mạo có thể thay đổi, có thể khác đi, song những giá trị khiến nó song hành được với văn học truyền thống chắc chắn sẽ vẫn tồn tại, và công chúng trên mạng cũng sẽ là lực lượng độc giả hùng hậu, chủ chốt, góp phần làm nên thành công cho tác phẩm. Văn học mạng cũng là sự thích ứng của đời sống văn học đương đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà các phương tiện kỹ thuật giúp người ta xích lại gần nhau hơn”, TS Hà Thanh Vân chia sẻ.

Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh cho rằng, trong thời đại 4.0 thì sự đọc, sự tiếp nhận trở nên linh động hơn và nhanh nhạy hơn. “Văn học mạng đang đáp ứng được điều đó. Tôi nghĩ, văn học mạng sẽ là một cú hích để văn học giấy có phần chỉn chu, hay hơn nữa”, nhà phê bình Hoàng Thụy Anh nhận định.

“Dù Internet có phát triển thế nào thì sách giấy vẫn không thể mất đi, nó luôn có một giá trị đặc biệt. Chúng tôi không lo ngại nhiều đến vấn đề mua, bán sách bởi mỗi hình thức sẽ phục vụ một nhóm đối tượng khác nhau, một nhu cầu riêng”, bà Nghiêm Thị Trinh, Phó Giám đốc Tri Thức Trẻ Books, đơn vị đỡ đầu cho nhiều tác phẩm văn học mạng tiếp tục đến với độc giả thông qua hình thức sách in, cho biết.

Tin cùng chuyên mục