Buộc người xả rác khắc phục hậu quả

Sau loạt bài viết ghi nhận những “điểm đen” về rác thải tại nhiều khu vực trên địa bàn TPHCM, phóng viên Báo SGGP nhận được nhiều ý kiến đề xuất những giải pháp để việc xử phạt những trường hợp xả rác bừa bãi được hiệu quả hơn.

Ông TRƯƠNG TRUNG KIÊN, Trưởng ban Đô thị HĐND TPHCM:

Sử dụng nhiều công cụ bắt quả tang, xử phạt

Việc xử phạt các trường hợp xả rác không đúng nơi quy định hiện rất khó thực hiện. Cấp phường, quận không đủ nhân sự để có thể “bắt tận tay day tận mặt” hành vi đổ rác tức thời. Do đó, cần sử dụng linh hoạt nhiều công cụ, như camera ghi nhận hành vi xả rác, tiêu tiểu nơi công cộng... để xử lý.

Mặt khác, hình thức phạt tiền chưa chắc tạo hiệu quả, nhất là với mức phạt cao thì việc thu tiền phạt sẽ khó khăn. Vì vậy, khi phát hiện vi phạm thì bên cạnh phạt tiền cần vận dụng hình thức khắc phục hậu quả bằng cách yêu cầu người vi phạm thu dọn rác, rửa sạch nơi tiểu bậy. Có như thế mới tác động trực tiếp đến người vi phạm, làm thay đổi về hành vi, thói quen của người dân.

Các địa phương hoàn toàn có căn cứ buộc người xả rác, tiêu tiểu nơi công cộng… dọn dẹp, khôi phục lại tình trạng ban đầu, theo Điều 7 Nghị định 167/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự - an toàn xã hội.

Để thực hiện tốt việc không xả rác cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, nhất là kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Cùng với đó là tăng cường giải pháp hình thành lực lượng giám sát cộng đồng để hỗ trợ chính quyền trong việc giám sát.

Các biện pháp thực hiện cần chú trọng nắm bắt ý kiến, phản hồi, góp ý của người dân, không nên chỉ tập trung một chiều triển khai từ cơ quan quản lý.

Ông LÊ MINH ĐỨC, Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND TPHCM:

Cần nêu tên người xả rác 

Sau một thời gian vận động, tuyên truyền, bây giờ là lúc cần áp dụng biện pháp mạnh, xử phạt người xả rác theo Nghị định 167/2013 và Nghị định 155/2016 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường).

Mức phạt tiền theo 2 nghị định này đều khá lớn, đủ sức răn đe, nhưng việc vận dụng gặp khó khăn, nhất là cách thu tiền phạt khi người vi phạm không đóng phạt.

Để phạt nguội qua camera, quy định đòi hỏi camera phải có dán tem của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, phải đúng tiêu chuẩn. Quy định ngặt nghèo này đã “bó tay, bó chân” chính quyền địa phương; nhiều hình ảnh vi phạm dù được camera ghi rõ cũng như hình ảnh người dân gửi về vẫn không dùng để xử phạt được.

Ngoài ra, quy trình xử phạt người xả rác bừa bãi cũng rất nhiêu khê với nhiều bước như lập biên bản vi phạm, ra quyết định, tống đạt tới đương sự…, thì không biết khi nào mới xử lý được hành vi này.

Vì vậy, TPHCM cần đề xuất Trung ương điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, theo hướng đơn giản thủ tục xử phạt, ví dụ khi bắt quả tang là chế tài ngay bằng việc thu tiền tại chỗ (như cảnh sát giao thông).

Cùng với đó là việc điều chỉnh quy định cho phép được sử dụng rộng rãi hình ảnh camera, hình ảnh từ điện thoại người dân cung cấp... để xử phạt người xả rác mà không phải xem điện thoại, camera ghi hình có “tem tiêu chuẩn” hay không.

Đặc biệt, TPHCM cần nêu đích danh người xả rác bừa bãi trên website địa phương, trên bản tin khu phố, trụ sở UBND phường, trên mạng xã hội… Việc công khai này, pháp luật đã cho phép.

Ông CAO THANH BÌNH, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM:

Thay cán bộ nếu không quyết liệt xử lý

TPHCM đang chung sức thực hiện cuộc vận động kêu gọi người dân ý thức trong việc bảo vệ môi trường, không vứt rác bừa bãi ra đường, kênh rạch, cống thoát nước. Kết quả bước đầu đã có chuyển biến tích cực, hiện tượng vứt rác bừa bãi đã giảm. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân vứt rác sai quy định, trong khi có nơi chưa quyết liệt xử lý.

Vấn đề cốt lõi ở đây là mọi người dân hãy chung tay bảo vệ môi trường, lên án những người vi phạm và cùng giám sát thực hiện các giải pháp ngăn chặn nạn xả rác ra môi trường.

Người dân thấy ai làm sai thì chụp ảnh, thông báo cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý ngay các phản ánh đó, cần thiết thì công khai vi phạm; đồng thời thông tin kết quả cho người dân.

Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền cần tổng hợp đầy đủ những vướng mắc, chồng chéo, nhất là liên quan đến công tác xử phạt và có hướng dẫn thống nhất để các địa phương mạnh dạn xử lý vi phạm.

Cùng với đó là việc tăng cường kiểm tra những nơi không làm tốt, xem xét thay thế cán bộ phụ trách hoặc luân chuyển cán bộ lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt thực hiện, chưa tạo chuyển biến tốt ở địa bàn mình phụ trách.

Những nơi nào làm tốt thì cần biểu dương và xem xét tạo nguồn cán bộ quy hoạch; nếu nơi nào chưa làm tốt thì mạnh dạn phê bình kiểm điểm, luân chuyển, thay thế.

Buộc người xả rác khắc phục hậu quả ảnh 1 Dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư ở quận 7. Ảnh: VIỆT DŨNG

Ông ĐOÀN PHƯỚC LƯỢNG, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2):

Tạo điều kiện để người dân không xả rác 

Tình trạng người dân thuê nhà, buôn bán hàng rong lén xả rác và tình trạng đổ rác trộm tại các khu đất trống vẫn còn phổ biến. Nhiều khu đất trống trở thành bãi chứa rác cồng kềnh, với rác sinh hoạt, rác từ công trình xây dựng, phế phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, buôn bán thực phẩm.

Để khắc phục, phường thường xuyên rà soát, đề nghị chủ công trình xây dựng trên địa bàn phải ký hợp đồng chuyển giao tất cả rác thải phát sinh từ công trình cho đơn vị thu gom. UBND phường cũng yêu cầu các chủ đường dây rác dân lập thu gom rác theo thời gian quy định; không lấy thêm tiền gom rác.

Đối với trường hợp phát sinh rác thải cồng kềnh thì phải thỏa thuận với người dân về chi phí phát sinh, với tinh thần có rác là phải thu gom. Đồng thời phường cũng đề nghị nơi tiếp nhận không lấy thêm phí khi nhận số rác cồng kềnh.

Ngoài ra, phường đề nghị các chủ dự án khu dân cư phải có trách nhiệm chung tay phát quang, ngăn chặn nạn đổ rác trộm tại các khu đất trống chứ không chỉ khoán trắng cho địa phương.

Cùng đó, UBND phường đề xuất UBND quận chỉ đạo Phòng TN-MT, Phòng Kinh tế phối hợp cùng công an quận rà soát, kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh đặc thù (như cơ sở buôn bán trứng, kinh doanh thực phẩm…) phải có hợp đồng chuyển giao rác thải đặc thù, chứ không phải hợp đồng chuyển giao rác thải thông thường.

Ông CHÂU MINH HIẾU, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình:

Gắn camera giám sát, xử phạt

Năm 2018, ở quận có 10 điểm tồn đọng rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, trong đó có các kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ và kênh A41. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM, quận phân công Phó Chủ tịch UBND quận phụ trách theo dõi nhắc nhở việc xử lý trên phần mềm Tân Bình trực tuyến.

Chủ tịch UBND 15 phường được giao làm đầu mối tiếp nhận phản ánh tình trạng đổ rác qua phần mềm với thời gian xử lý không quá 120 phút, kể từ khi tiếp nhận phản ánh. Từ đầu tháng 10-2018 đến nay, toàn quận tiếp nhận, giải quyết hàng trăm thông tin phản ánh liên quan đến vệ sinh môi trường, vứt rác bừa bãi, các điểm rác tự phát.

Đến hết tháng 6-2019, quận đã xử lý được 6/10 “điểm đen” về rác thải. Trong thời gian tới, quận Tân Bình tiếp tục đẩy mạnh, triển khai các biện pháp tuyên truyền sâu rộng và gắn camera tại các “điểm đen” để lấy bằng chứng và xử phạt nghiêm các trường hợp vứt xả rác bừa bãi, từ đó nâng cao ý thức trong người dân.

Ông ĐỖ ANH KHANG, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp:

Chưa có biện pháp chế tài việc nâng phí gom rác

Quận đã đặt ra nhiều giải thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Thành ủy TPHCM, trong đó có việc thường xuyên rà soát, xử lý các “điểm đen” về rác và xử phạt những trường hợp xả rác không đúng nơi quy định. Đến nay, quận đã xử phạt 60 trường hợp gần 110 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc xử phạt hành vi xả rác trái phép, không đúng nơi quy định còn khó khăn do hạn chế về nhân sự, phương tiện. Vì vậy, tình trạng người dân buôn bán, lấn chiếm và xả thải trực tiếp xuống mặt đường, kênh thoát nước vẫn còn phổ biến. Ngoài ra, quận cũng chưa có biện pháp chế tài các đường dây rác dân lập tự nâng mức phí, thu gom rác không đảm bảo thời gian.

Trong thời gian tới, quận chỉ đạo UBND phường tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời sẽ tiếp tục gắn camera tại các tuyến đường để xử lý triệt để các hành vi vi phạm.

Tin cùng chuyên mục