Bước ngoặt hay chiến thuật?

Theo kế hoạch, vào ngày 21-1, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu có chuyến công du tới Brussels, còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 1. 

Những hoạt động ngoại giao con thoi hiếm hoi này được coi là tín hiệu tích cực trong nỗ lực hàn gắn của Thổ Nhĩ Kỳ và EU nhằm cải thiện mối quan hệ song phương. Trước đó, hôm 12-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông muốn “sang trang mới” trong quan hệ với Liên minh châu Âu (EU).  

Mối quan hệ giữa Ankara và Brussels trong năm qua đã giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. Chính sách ngoại giao cứng rắn của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải, Libya và các khu vực ở Trung Đông khiến EU không hài lòng. Việc Thổ Nhĩ Kỳ cử một tàu thăm dò khí đốt và điều tàu hải quân đến vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Địa Trung Hải đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Athens và các nước EU còn lại.

Việc ông Erdogan lên tiếng ủng hộ Azerbaijan trong cuộc chiến Nagorno - Karabakh cũng khiến các đồng minh của Armenia ở phương Tây khó chịu. Quan hệ với Pháp đang trong thế đối đầu từ nhiều tháng qua do phát biểu chỉ trích của Tổng thống Erdogan nhằm vào người đồng cấp Pháp E.Macron. Hồi tháng 12-2020, lãnh đạo các nước EU nhất trí chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới các hoạt động khoan thăm dò của Ankara ở khu vực Đông Địa Trung Hải. Sau vô số hiềm khích, sự thay đổi của Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự là bước ngoặt hay chỉ là chiến thuật? 

France 24 cho rằng chiến thắng của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden trước ông Donald Trump, người từng gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là “người bạn tốt”, góp phần không nhỏ cho sự thay đổi này. Một số sự bổ nhiệm của ông Biden có khả năng khiến Ankara mệt mỏi, nhất là việc ông Brett McGurk được chỉ định vào Hội đồng An ninh quốc gia, phụ trách khu vực Trung Đông và châu Phi. Vốn là người chỉ trích chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ về Syria, McGurk sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ của Washington với Ankara. 

Tổng thống Erdogen cũng đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng do thiệt hại kinh tế gây ra bởi Covid-19 và tỷ lệ ủng hộ đảng cầm quyền giảm sút. Theo số liệu chính thức, các quốc gia thành viên EU chiếm 67,2% đầu tư trực tiếp vào Thổ Nhĩ Kỳ giai đoạn 2002-2018. Ngoại hối sụt giảm mạnh, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất 1/5 giá trị so với đồng USD vào năm ngoái. Ilke Toygur, nhà phân tích tại Viện Quốc tế và an ninh Đức và Viện Hoàng gia Elcano nhận định: Erdogan đang tìm kiếm bạn bè ở mọi nơi có thể. Tuy nhiên, việc này chắc chắn sẽ không dễ dàng.

Tin cùng chuyên mục