Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Kháng chiến chống Mỹ là bản anh hùng ca trọn vẹn. Hiệp định Paris là thắng lợi ngoại giao tuyệt vời. Trong bản anh hùng ca đó, có phần góp công xứng đáng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. 
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến năm 1965 thực chất đã kéo dài 15 năm. Trước những âm mưu, thủ đoạn ngày càng xảo quyệt, điên cuồng của đế quốc Mỹ, đường lối chống Mỹ, cứu nước được tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết Trung ương lần thứ 11 (3-1965) và Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 (12-1965).
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11 (đặc biệt) chỉ rõ: “…chuẩn bị sẵn sàng đối phó để có thể thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành “Chiến tranh cục bộ”, hoặc chúng gây ra “Chiến tranh cục bộ” ở cả hai miền Nam và Bắc chúng ta”. Trong bối cảnh trên thế giới còn có tâm lý phục Mỹ và sợ Mỹ, có đồng minh chiến lược của ta còn ngại chiến tranh có thể lan rộng từ Việt Nam ra thế giới, Nghị quyết Trung ương lần thứ 12 (12-1965) khẳng định: “Kiên trì phương châm ra sức hạn chế cuộc chiến tranh xâm lược của địch và thắng địch trong cuộc chiến tranh hạn chế đó”.
Phương châm chiến lược này thể hiện rõ trách nhiệm của nhân dân ta với hòa bình thế giới, góp phần đắc lực vào việc tập hợp lực lượng của ta. Thực hiện phương châm này, ta không nhận quân đội nước ngoài vào tham chiến, không quốc tế hóa cuộc đàm phán Paris. 
Bước ngoặt chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ảnh 1 Các đồng chí lãnh đạo Phân khu 1 (Sài Gòn - Gia Định) họp bàn kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: DƯƠNG THANH PHONG
Trên cơ sở hiểu rõ: “Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ, có tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh nhất trong phe đế quốc”, nhưng “không cho phép Mỹ sử dụng được hết sức mạnh về kinh tế và quân sự của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam”; “dù đế quốc Mỹ đưa vào mấy chục vạn quân, về chiến lược chúng cũng buộc phải phân tán lực lượng trên khắp các chiến trường và ngày càng lâm vào thế bị động, càng sa lầy và thất bại”, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 (12-1965), xác định chiến lược đánh Mỹ: “… chúng ta không chủ trương đánh và tiêu diệt đến tên lính Mỹ cuối cùng ở miền Nam và bắt đế quốc Mỹ đầu hàng vô điều kiện.
Chúng ta chủ trương đập tan được ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, bắt chúng phải thừa nhận những điều kiện của chúng ta!”. Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “…đối với Mỹ phải có cách chủ động để đi tới cho nó rút ra, vì rất phức tạp. Một tay đánh, một tay mở cho nó ra, trước cửa cần có rèm chống”. Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu chủ trương: “Nhân dân Việt Nam sẵn sàng “trải thảm đỏ và rắc hoa” cho Mỹ rút”. Chủ trương này phù hợp với truyền thống của dân tộc ta, với sức của ta và với vị thế toàn cầu của đế quốc Mỹ.
Nhằm giành thắng lợi chiến lược, bất ngờ với kẻ thù, ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp phiên đặc biệt, chính thức thông qua Kế hoạch chiến lược năm 1968 với chủ trương: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.
Thực hiện chủ trương đó, đêm 30, rạng ngày 31-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân diễn ra trên toàn miền Nam. Các cơ quan quân sự, chính trị của Mỹ và quân đội, chính quyền Sài Gòn ở hầu khắp các đô thị tại miền Nam đều bị tấn công. Trong đợt 1, từ đêm 30, rạng ngày 31-1-1968 đến ngày 25-2-1968, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã tiến công vào 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, trong đó có 4 bộ tư lệnh quân đoàn, 8 bộ tư lệnh sư đoàn, 2 bộ tư lệnh biệt khu, 2 bộ tư lệnh dã chiến Mỹ và 30 sân bay.
Trong đợt 2, từ ngày 5-5 đến ngày 12-5-1968, quân và dân ta trên khắp chiến trường đã đồng loạt bắn phá và tiến công bằng bộ binh vào 31 thành phố và thị xã, 58 thị trấn và quận lỵ, đánh trúng 10 bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn, 30 sân bay, 20 căn cứ xuất phát hành quân và trung tâm huấn luyện của địch. Đợt 3 được tiến hành từ ngày 7-8 đến ngày 30-9-1968, quân và dân ta đã tiến công chủ yếu bằng pháo vào 27 thành phố và thị xã, 100 thị trấn, quận lỵ và chi khu quân sự, 47 sân bay, 3 tổng kho lớn, 6 bộ tư lệnh sư đoàn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân diễn ra khắp miền Nam, từ Trị Thiên-Huế đến cực Nam Cà Mau, hầu khắp đô thị, nơi tập trung lực lượng quân sự, chính trị chủ yếu của địch.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử to lớn. Đây là đòn tiến công bất ngờ lớn đánh vào trung tâm sào huyệt của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Thắng lợi lớn nhất tạo ra bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chính quyền Mỹ phải thừa nhận một thực tế là không thể thắng bằng quân sự ở Việt Nam. Tác động to lớn, trực tiếp của Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân buộc Mỹ phải hạn chế ném bom, bắn phá miền Bắc, tiến tới chấm dứt chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc, tham gia đàm phán hòa bình nhằm tìm lối thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Như vậy, nếu không có Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thì sẽ không có đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Paris (1-1973) và tiến tới kết thúc chiến tranh (4-1975), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Xuân Mậu Thân 1968 là đòn quyết định mở đầu quá trình Mỹ rút quân và quá trình Mỹ bỏ rơi chính quyền Việt Nam Cộng hòa đi đến kết thúc chiến tranh, góp phần quan trọng cùng thắng lợi trên mặt trận chính trị, ngoại giao chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tin cùng chuyên mục