Bước đột phá ở lục địa đen

Tại châu Phi, công nghệ đang thay đổi cách sinh sống và làm việc của mọi người. Thanh toán qua thiết bị di động đang trở nên hết sức phổ biến. Thậm chí điện thoại còn được dùng để theo dõi sức khỏe phụ nữ mang thai.

Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết tính trung bình, điều kiện chăm sóc sức khỏe người dân của các nước khu vực phía Nam Sahara châu Phi ở mức thấp nhất thế giới, chiếm khoảng 25% tổng số ca khuyết tật và tử vong do bệnh tật trên toàn thế giới, nhưng chỉ chiếm 1% chi phí y tế và 3% nhân viên y tế toàn cầu. Điều kiện cơ sở hạ tầng thấp khiến người dân càng gặp khó khăn hơn trong tiếp cận với ngay cả dịch vụ y tế cơ bản. Theo CNN, những công nghệ mới như máy bay không người lái, ứng dụng trên điện thoại di động và máy bán thuốc tự động dựa trên lập trình máy tính đang dần khắc phục các hạn chế trên, góp phần chăm sóc sức khỏe người dân tốt hơn.

Cơ quan Huyết học quốc gia Nam Phi (SANBS) cho biết từ tháng 5 vừa qua, họ bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để vận chuyển máu, nhằm giảm tỷ lệ tử vong cao ở phụ nữ khi sinh con trên khắp lục địa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2017, khoảng 295.000 phụ nữ trên toàn thế giới đã tử vong, chủ yếu do các nguyên nhân có thể phòng ngừa được liên quan đến thai sản, trong đó khoảng 2/3 số ca tử vong này xảy ra ở phía Nam Sahara châu Phi. Giám đốc bộ phận điều hành máy bay không người lái của SANBS cho biết nguyên nhân của tình trạng trên một phần do các bệnh nhân không được truyền máu kịp thời, bởi điều kiện giao thông hạn chế và khoảng cách địa lý lớn. Các dịch vụ bay không người lái có thể khắc phục những trở ngại trên, bởi loại phương tiện mới này có thể chịu đựng hầu hết các điều kiện thời tiết và chỉ cần 5m2 bề mặt phẳng để hạ cánh, ít hơn đáng kể so với một máy bay trực thăng.

Ngoài ra, tận dụng lợi thế số người dùng Internet trên điện thoại di động ở phía Nam Sahara châu Phi đang tăng nhanh (đạt 302 triệu vào năm 2018 và sẽ tăng lên gần 700 triệu vào năm 2025), các ứng dụng cho phép truy cập từ xa để tư vấn và chẩn đoán y tế đang xuất hiện trên khắp lục địa. Chẳng hạn như ứng dụng Hello Doctor (Nam Phi) cung cấp thông tin chăm sóc sức khỏe cần thiết, tiếp nhận tư vấn của bác sĩ; dịch vụ Omomi giúp phụ nữ mang thai và bà mẹ ở Nigeria theo dõi sức khỏe của con cái và trao đổi với các bác sĩ trên cơ sở trả tiền khi đi khám hoặc đăng ký thành viên; công ty Matibabu (Uganda) phát triển phần mềm chẩn đoán sốt rét mà không cần lấy máu xét nghiệm.

Hệ thống tủ thuốc thông minh phân phối thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính cũng được phát triển tại khu vực này. Khi thuốc đã sẵn sàng, bệnh nhân sẽ nhận được một tin nhắn SMS kèm theo mã duy nhất mở tủ khóa, giúp bệnh nhân mãn tính có được thuốc theo đơn trong vòng dưới 22 giây, thay vì chờ đợi hàng giờ tại các phòng khám công cộng. Ứng dụng này cũng giúp nhân viên y tế có thời gian tập trung phục vụ những bệnh nhân đang gặp bệnh hiểm nghèo hơn. Đến nay, hệ thống tủ thuốc thông minh Pelebox đã triển khai 13 máy tại tỉnh Gauteng, Nam Phi, và sẽ được mở rộng lên 50 máy trong vòng 5 năm tới nhằm phục vụ khoảng 1.000 cộng đồng dân cư của quốc gia miền Nam châu Phi này.

Tin cùng chuyên mục