Bước đi bất ngờ

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp vào ngày 11-12. Đây được xem là bước đi khá bất ngờ khi cơ quan này đã 3 lần hạ lãi suất trong năm 2019 dưới sức ép từ Nhà Trắng với mục đích chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế trong bối cảnh bất ổn thương mại đang diễn ra. 
Bước đi bất ngờ

Các nhà hoạch định chính sách của FED nhất trí đồng ý duy trì tỷ lệ lãi suất dao động trong khoảng 1,5% - 1,75% nhằm kéo dài sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ sang năm thứ 11.

Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ dự báo mức lãi suất vào năm 2020 sẽ tiếp tục được giữ nguyên, có thể khiến Tổng thống Donald Trump thất vọng. Ông Trump đã dành cả năm qua gây áp lực với Chủ tịch FED Jerome Powell để hạ lãi suất hơn nữa, thậm chí đòi hỏi giảm lãi suất xuống dưới 0 - một biện pháp kích thích cực đoan mà FED chưa bao giờ sử dụng.

Gần đây nhất, sau cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 18-11, theo CNN, ông Trump đã đăng trên Twitter “phản đối” ông Powell duy trì lãi suất quá cao so với các quốc gia khác mà Mỹ đang cạnh tranh.

Ông Trump đã nhiều lần đổ lỗi cho ông Powell về việc làm suy yếu tăng trưởng kinh tế. Còn ông Powell cho rằng không cần phải tăng lãi suất, ít nhất là trong tương lai gần, rằng FED có thể giữ lãi suất ổn định vì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn duy trì ở mức rất thấp (khoảng 3,5%) trong một thời gian dài và lạm phát ở gần mức mục tiêu 2%. Sau quyết định giữ nguyên lãi suất của FED, lợi tức trái phiếu kho bạc 10 năm của Mỹ giảm xuống dưới 1,8%, giá USD giảm tới mức thấp nhất trong 4 tháng và chứng khoán Mỹ tăng cao. 

Ông Powell đã chỉ ra sự tăng trưởng chậm chạp trên toàn cầu và bất ổn thương mại dai dẳng là hai mối đe dọa đối với nền kinh tế Mỹ nhưng vẫn lạc quan cho rằng kinh tế Mỹ vẫn  tăng trưởng trong những năm tới, ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc chưa đạt được thỏa thuận thương mại. Trong năm 2019, FED duy trì dự báo tăng trưởng cho nền kinh tế Mỹ ở mức 2,2%, sau đó giảm xuống còn 2% vào năm 2020.

Tuy nhiên, theo New York Times,  những gì xảy ra tiếp theo về cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc vẫn có thể là yếu tố khó dự báo với FED. Một đợt thuế quan khác của Mỹ đánh vào hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào ngày 15-12 nếu chưa có thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Lúc đó, Mỹ sẽ áp thuế đối với gần như mọi giày dép, máy tính xách tay và xe đạp nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2019 đã giúp tái lập thị trường chứng khoán, tăng thêm số người mua nhà và giúp giảm thiểu tiêu cực của  cuộc chiến thương mại. Điều đó đã góp phần vào việc tăng cao uy tín của Tổng thống Donald Trump trước cuộc tái tranh cử vào năm 2020.

Trang web Politico dẫn lời ông David Kotok, Giám đốc đầu tư tại Công ty Quản lý tài chính Cumberland Advisors, cho rằng ông Powell và FED xứng đáng được tôn trọng và được tín nhiệm vì đã điều hướng chính sách tiền tệ thông qua sự tấn công dữ dội của các yếu tố phi tiền tệ như chiến tranh thương mại hoặc rủi ro địa chính trị. Ngay cả một số cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Trump giờ đây cũng sẵn sàng giảm bớt áp lực cho FED khi thừa nhận rằng Nhà Trắng sẽ đưa ra các chính sách có thể thúc đẩy tăng trưởng năm 2020.

Tin cùng chuyên mục