Bước chuẩn bị nhân sự quan trọng

Cuộc họp Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào ngày 21-6 đã quyết định phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021 - 2026). Bộ Chính trị yêu cầu thông báo cho các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị biết về kết quả phê duyệt; đồng thời giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan, địa phương tiến hành thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức gắn với luân chuyển, sắp xếp, bố trí công tác đối với các đồng chí được quy hoạch để chủ động chuẩn bị một bước nhân sự đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là bước chuẩn bị nhân sự quan trọng cho nhiệm kỳ tới bởi những đồng chí vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo, chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ngành, địa phương.

Khi đề cập việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”; do vậy, công tác cán bộ được coi là khâu then chốt trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng… Trên cơ sở gần 250 đồng chí được các địa phương, cơ quan, đơn vị giới thiệu, Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đã phối hợp với các ban Đảng rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến với hơn 200 đồng chí thuộc diện quy hoạch.

Việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được tiến hành 4 bước từ cơ sở theo kế hoạch của Bộ Chính trị. Một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cấp trong việc phát hiện, giới thiệu nhân sự. Các độ tuổi được quy hoạch là dưới 55, dưới 50 và dưới 45. Trong đó với độ tuổi dưới 55, người được xem xét đưa vào quy hoạch là bí thư, phó bí thư các tỉnh, thành, thứ trưởng và tương đương... Còn nhân sự dưới 50 tuổi thì chức vụ hiện hành có thể thấp hơn so với nhóm trên như: bí thư huyện ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương, thường trực HĐND, thường trực UBND... Nhóm dưới 45 tuổi thì không yêu cầu phải giữ chức vụ như 2 nhóm trên, nhưng cũng phải nằm trong diện được giới thiệu vào các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (phó bí thư tỉnh ủy, thứ trưởng và tương đương). Đây là diện cán bộ tạo nguồn cho các khóa tiếp theo, có thể tham gia dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII. 

Trước đó, ngày 30-5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Chỉ thị 35 bao quát tất cả mọi vấn đề liên quan, là cơ sở để các cấp, các ngành tiến hành đại hội đảng bộ thành công. Trong đó, vấn đề nhân sự cấp ủy các cấp, từ tiêu chuẩn, độ tuổi, đến quy trình giới thiệu, đánh giá, bầu chọn… được Chỉ thị 35 hướng dẫn hết sức chi tiết, cụ thể. Chỉ thị 35 yêu cầu công tác nhân sự cần tiến hành từng bước, từng việc, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, nhưng phải thật sự đúng người, đúng việc; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ…

Với lộ trình và những bước đi chặt chẽ như trên, chúng ta tin tưởng rằng, qua đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ có một đội ngũ cán bộ, nhất là ở Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là những người tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín; thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục