Bùng phát xây dựng không phép - sai phép: Lờn luật?

Chỉ trong một thời gian ngắn, TPHCM nổ ra liên tiếp vụ xây lụi 110 căn biệt thự và chung cư, tại quận 7 của Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát (HLP) và dự án chung cư tại quận 2 của Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (CTKDN). 

Điều này khiến dư luận nghi ngờ, vì sao việc xây dựng quy mô như vậy lại lọt lưới của các cơ quan kiểm tra nhà nước?

Cơ quan quản lý, chủ đầu tư bao biện

Trở lại việc 110 căn biệt thự xây dựng lụi của HLP. Xuyên suốt sự vụ cho thấy, lỗ hổng đầu tiên đến từ cơ quan quản lý nhà nước: chủ đầu tư đã báo cáo phường về việc khởi công, thanh tra địa bàn đã 3 lần xuống kiểm tra công trình. Nhưng kết quả cuối cùng là dự án không có sai phạm!?

Mà không chỉ có 110 căn biệt thự, hàng loạt công trình khác cũng được chủ đầu tư tổ chức thi công như hồ điều tiết, thi công ép cọc thử tải khối chung cư 27 tầng; nói cách khác, toàn bộ dự án đã và đang được xây dựng lên một cách đồng bộ.

Đối với chủ đầu tư, cũng cùng góc nhìn như vậy. Sau khi sự việc bùng lên, trong thông cáo gửi các cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Văn Bình, Phó Tổng giám đốc HLP, khẳng định: “Việc xây dựng khu nhà ở thấp tầng của dự án là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành”, đồng thời đổ lỗi: “Việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm trễ trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính đã gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, làm doanh nghiệp mất đi nhiều cơ hội kinh doanh, ảnh hưởng uy tín đối với khách hàng”.

Trong khi đó, dự án hiện còn trên 7.300m2 đất công là rạch và đường giao thông chưa được các cơ quan quản lý nhà nước giao đất, mặc dù có hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai vào tháng 2-2019. Như vậy, toàn bộ khu đất làm dự án chưa thuộc về HLP, việc tổ chức thi công như vậy là sai.

Sự việc HLP chưa kịp lắng xuống thì dự án Laimain City, nằm trong trung tâm khu đô thị An Phú - An Khánh, quận 2, xây dựng rầm rộ phần móng công trình của dự án 13.000 căn hộ, nhưng không có giấy phép xây dựng. Thông tin từ Sở Xây dựng TPHCM, sở chưa tiếp nhận hồ sơ liên quan dự án; UBND quận 2 đã ban hành xử phạt vì hành vi “tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng”.

Bùng phát xây dựng không phép - sai phép: Lờn luật? ảnh 1                     Dự án Laimain City xây dựng trái phép tại quận 2. Ảnh: THÀNH TRÍ

Thế nhưng, mới đây trao đổi với các cơ quan truyền thông, ông Đinh Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà, chủ đầu tư dự án, khẳng định chắc nịch: “Tôi không sai”, dự án khởi công xây dựng hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, trình tự thủ tục mới nằm ở bước “đã nộp hết cho Bộ Xây dựng và đã có biên nhận của bộ”.

Chấp nhận chơi liều

Rõ ràng, cách trả lời của 2 doanh nghiệp trên đều không thừa nhận hành vi sai phạm của mình trong quá trình triển khai xây dựng nhà ở. Một bên đang chờ thủ tục thế là xây dựng, một bên mới nộp hồ sơ lên Bộ Xây dựng là thi công công trình. Điều này nói lên vấn đề gì?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết, doanh nghiệp nào cũng ngồi trên đống lửa, vì thủ tục quá chậm, trong khi sức ép rất lớn của việc phải trả lãi vay đầu tư hàng ngày hàng giờ, nên làm liều. Nếu không may bị phát hiện, phạt vài chục triệu hoặc vài tỷ đồng thì cũng chấp nhận, sau đó sẽ hợp thức hóa, có khi thủ tục chạy nhanh hơn. Hầu hết các doanh nghiệp lách bằng việc khởi công bán hàng thông qua các thủ thuật như góp vốn, hợp tác… chứ không phải là hợp đồng mua bán.
Đầu tiên, luật sư Hồ Ngọc Diệp, Đoàn luật sư TPHCM, nhận xét, đối với 110 căn biệt thự của HLP, có dấu hiệu bất ổn khi áp dụng pháp luật. Báo cáo của Sở Xây dựng vào cuối năm 2018 cho biết, từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực ngày 1-7-2015 đến hết năm 2018 toàn TP bị vướng 126 dự án đều liên quan đến đất nông nghiệp, xen cài… và đang chờ Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Trong khi đó, Tổng cục Quản lý đất đai lại đưa ra hướng dẫn xử lý cho HLP, rồi “bấu víu” vào đó, HLP nói rằng TPHCM chậm giải quyết cho mình, như vậy là không thỏa đáng. Việc vướng là vướng chung, không thể nào tất cả các doanh nghiệp bị vướng mà chỉ tháo cho mỗi HLP, như vậy là không sòng phẳng, bởi vì pháp luật là công bằng, áp dụng chung cho tất cả cộng đồng doanh nghiệp. HLP tổ chức thi công trong khi chưa có hồ sơ pháp lý đầy đủ là xem thường pháp luật.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, mặc dù pháp luật về đất đai, xây dựng quy định rất chặt chẽ. Trong thực tiễn, doanh nghiệp muốn vừa chạy thủ tục vừa xây dựng, thậm chí có trường hợp sai pháp luật cực kỳ nghiêm trọng như xây vượt tầng, nhưng thực tế vẫn phạt cho tồn tại, tất nhiên sự việc đó đã và đang tiếp tục xảy ra. Dư luận có quyền nghi ngại, nếu không có chính quyền địa phương xuê xoa, dung dưỡng thì chẳng bao giờ xảy ra hiện tượng dự án xây dựng sai phép, không phép, bởi thực tế cho thấy, người dân có xây nhà sai phép hoặc không phép được đâu.

Muốn chấm dứt tình trạng này đòi hỏi phải có biện pháp mạnh, khi xảy ra công trình không phép, sai phép người đứng đầu địa phương phải bị cách chức, mới giải quyết được. Tránh tình trạng lập lờ, hoặc đổ lỗi cho “lực lượng thanh tra, kiểm tra mỏng”, như cách nói cửa miệng lâu nay…

Tin cùng chuyên mục