Bùng nổ dịch vụ số ngân hàng

Dịch Covid-19 đã làm tâm lý, hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi. Họ không muốn đến các chi nhánh để giao dịch nhằm hạn chế tiếp xúc. Chính vì thế, ngành ngân hàng ngày càng đẩy mạnh việc số hóa các dịch vụ để thu hút khách hàng.

Tăng trải nghiệm cho người dùng 

Sự tiện lợi của giao dịch trực tuyến đã thu hút ngày càng nhiều người sử dụng. Các sản phẩm số như thanh toán bằng mã QR (mã phản hồi nhanh), gửi tiết kiệm, cho vay số và mới nhất là định danh eKYC (định danh điện tử)… là những dịch vụ được nhiều người sử dụng. 

Mới đây, VPBank vừa ra mắt ngân hàng số VPBank NEO, đây là ngân hàng số không có chi nhánh, không có phòng giao dịch và cho phép khách hàng mở tài khoản trực tuyến ngay trên điện thoại thông minh bằng công nghệ eKYC. Khách hàng chỉ mất chưa đầy 5 phút để đăng ký tài khoản trực tuyến qua 2 bước: xác thực giấy tờ tùy thân và xác thực khuôn mặt.

Sau khi có tài khoản, khách hàng có thể thực hiện ngay các giao dịch chuyển khoản, nhận tiền, mua bán trái phiếu, gửi tiết kiệm, thanh toán hóa đơn... với chính sách miễn 100% nhiều loại phí. Ngoài ra, khách hàng có thể đăng ký mở thẻ tín dụng ảo (virtual card) để thanh toán trực tuyến với mọi chức năng như thẻ vật lý trong vòng 30 phút đến 2 giờ. Sau đó có thể mua sắm, giao vận, đặt dịch vụ ăn uống… ngay trên một nền tảng duy nhất mà không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau. 

Bùng nổ dịch vụ số ngân hàng ảnh 1 Nhiều dịch vụ ngân hàng được số hóa nhằm tăng trải nghiệm cho khách hàng. Ảnh: PHAN LÊ

Ông Vũ Thành Trung, Giám đốc khối Ngân hàng số MBBank, cho biết, ngân hàng đã thành lập khối ngân hàng số, đưa hàng loạt sản phẩm truyền thống lên ứng dụng MBBank như vay online, giải ngân trong 3 phút, tiết kiệm số, thanh toán quốc tế… và mới nhất là tài khoản số đẹp, tài khoản theo số điện thoại. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng đăng ký số tài khoản theo sở thích trên ứng dụng MBBank chỉ trong 5 giây mà không cần các điều kiện ưu tiên và hoàn toàn miễn phí. MBBank cũng vừa ra mắt hình thức thanh toán mới bằng mã VietQR và dịch vụ chuyển tiền nhanh Napas247 bằng mã QR trên ứng dụng của MBBank... 

Nam A Bank cũng ra mắt không gian giao dịch số Open Banking tích hợp đa thiết bị hiện đại giúp khách hàng giao dịch đa kênh chỉ trên một ứng dụng. Nam A Bank cũng đã triển khai VTM Onebank (chi nhánh ngân hàng ảo) nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. VTM OneBank giúp khách hàng thực hiện các giao dịch như nộp hoặc rút tiền mặt, mở tài khoản tiết kiệm, mở thẻ debit 24/7 mà không cần tới các điểm giao dịch trực tiếp…

Thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng 

Hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch bệnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến dịch vụ ngân hàng điện tử bùng nổ. Khảo sát của Công ty Visa - công ty thanh toán kỹ thuật số - cho thấy, tổng giá trị giao dịch thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam những tháng đầu năm 2021 qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ Visa tăng 34% so với cùng kỳ năm 2020. 85% người tiêu dùng sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần/tuần và 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội từ khi đại dịch lan rộng. 

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Ngoài khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ mới, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán được NHNN và các tổ chức tín dụng triển khai đã thu hút nhu cầu thanh toán trực tuyến của người dân.

Đến cuối tháng 4-2021, thanh toán qua Internet tăng 65,9% về số lượng và 31,2% về giá trị; thanh toán qua điện thoại di động tăng 86,3% về số lượng và 123,1% về giá trị; thanh toán bằng mã QR tăng 95,7% về số lượng và 181,5% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Thực tế cho thấy, nhằm giảm lệ thuộc nguồn thu từ tín dụng, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng thu nhập bằng cách tối giảm chi phí, bao gồm chi phí huy động vốn. Một trong những giải pháp giảm chi phí vốn tối ưu của ngân hàng là nâng cao tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng tiền gửi khách hàng (CASA) vì có mức lãi suất thấp nhất, thường chỉ từ 0,1%-0,8%/năm. Tỷ lệ này càng lớn thì ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ để cho vay lãi suất tốt.

Techcombank cho biết, để có tỷ lệ CASA đạt gần 45% (cao nhất trên thị trường hiện nay), ngân hàng thay đổi phương thức giao dịch truyền thống sang trực tuyến.

Tương tự, MBBank cũng cho biết, khi ứng dụng thành công MBBank trên điện thoại, tung ra chương trình tài khoản số đẹp và thu hút người tham gia, tỷ trọng CASA tăng lên mức 37%. Một số ngân hàng như MSB, TPBank, VPBank cũng đang có tỷ lệ tăng CASA tốt nhờ vào chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN: 

95% tổ chức tín dụng triển khai chiến lược chuyển đổi số

Hiện 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hầu hết ngân hàng đã ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ mới trong hoạt động và cung ứng dịch vụ, trong đó, 9/19 nghiệp vụ đã được một số ngân hàng số hóa hoàn toàn. Nhiều ngân hàng cũng đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn để đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân... giúp đơn giản hóa quy trình thủ tục, rút ngắn thời gian. Theo Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mà NHNN vừa phê duyệt tháng 5-2021, ít nhất 70% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. 

Tin cùng chuyên mục