Brexit: Ác mộng không điểm dừng

Chỉ còn 3 tháng trước thời điểm Anh chính thức rời khỏi EU, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận đang ngày càng được tính đến và đối với nhiều doanh nghiệp, đây sẽ là cơn ác mộng không biết dừng lúc nào.

Chờ tình huống xấu nhất

Bộ trưởng Thương mại Anh Liam Fox - người đi đầu trong việc ủng hộ Brexit Anh rời Liên minh châu Âu - EU, trả lời phỏng vấn nhật báo Sunday Times số ra ngày 30-12, nhận định cơ hội là 50-50 để Brexit có thể bị dừng lại nếu quốc hội bác bỏ Dự luật Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với EU hồi tháng trước. Dự kiến, ngày 2-1-2019, bà Theresa May tổ chức cuộc họp nội các để thảo luận về việc chuẩn bị cho việc rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận.

Cùng lúc này, chính phủ Anh thông báo sẽ chi hơn 100 triệu bảng (tương đương 130 triệu USD) nhằm tăng cường các chuyến phà để giảm tải nguy cơ ách tắc khi đi qua eo biển nối giữa Anh và Pháp trong trường hợp Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại trước khi rời khỏi EU. Hiện nay, khi Anh còn là thành viên EU, các phương tiện vận tải dễ dàng đi qua các chốt biên giới nội khối. Tuy nhiên, nếu Anh không đạt được thỏa thuận hậu Brexit, mỗi phương tiện chỉ cần chậm vài phút để làm các thủ tục hải quan, tình trạng ùn ứ sẽ xảy ra trên các lộ trình từ cả hai phía dẫn tới eo biển này.

Mỗi ngày ước tính có 16.000 xe tải di chuyển qua lại giữa cảng Dover của Anh và Calais của Pháp
 Để giảm tải tình trạng ách tắc có thể xảy ra, London đã cung cấp 3 hợp đồng tăng cường khả năng vận tải trên các lộ trình từ các cảng biển miền Nam của nước Anh, trong đó có cả cảng Poole, Portsmouth và Plymouth. Theo Bộ Giao thông vận tải Anh, mỗi ngày ước tính có 16.000 xe tải di chuyển từ cảng Dover của Anh đến Calais của Pháp và ngược lại, vận chuyển hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến thuốc men và hàng hóa công nghiệp cần thiết để duy trì cho các nhà máy vận hành. Mặc dù thừa nhận các bên vẫn nỗ lực nhằm đảm bảo có thể đạt được một thỏa thuận hậu Brexit, song Bộ Giao thông vận tải Anh vẫn đang hỗ trợ các cơ quan ban ngành khác trong chính phủ chuẩn bị một loạt kịch bản phòng trường hợp Brexit không có thỏa thuận.


Lo lắng về tương lai

Điều tra thăm dò của Viện Các giám đốc của Anh (IoD) vừa công bố cho biết những bế tắc trong tiến trình Brexit đã khiến niềm tin về mức độ lành mạnh nền kinh tế Anh của giới doanh nghiệp rơi xuống mức thấp nhất kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý Brexit tháng 6-2016.

loD đã phỏng vấn 724 giám đốc doanh nghiệp Anh. Số giám đốc bày tỏ bi quan với nền kinh tế nước này nhiều hơn số người lạc quan là 38%. Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết tình trạng chung của nền kinh tế và mối quan hệ thương mại dài hạn bất ổn định của Anh với EU là 2 vấn đề họ lo lắng nhất trong năm 2019. Kinh tế Anh tăng trưởng chậm trong năm 2018 là do năng suất lao động kém và tình trạng bất ổn do Brexit đem lại. Chỉ số niềm tin của giới chủ doanh nghiệp Anh tại London và Scotland là thấp nhất trong khi tỷ lệ lạc quan đối nền kinh tế Anh trong năm tới cao nhất được ghi nhận bởi các lãnh đạo doanh nghiệp vùng Tây Nam và Đông Bắc nước Anh.

Nhà kinh tế học Tej Parikh thuộc IoD nhận định giới lãnh đạo doanh nghiệp Anh cho rằng kinh tế nước nhà sẽ nhiều chao đảo trong năm 2019. Ông cho rằng chính những bất ổn do Brexit mang lại đã ảnh hưởng đến tâm lý các doanh nghiệp, khiến họ trì hoãn đầu tư, hay đưa ra quyết định thuê mướn nhân công và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, điều này khiến năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Anh bị giảm sút.

Tin cùng chuyên mục