Bớt hẻm, thêm đường

Những con hẻm nhỏ xíu, sâu hút ở các khu dân cư trên địa bàn TPHCM đang giảm dần, thay vào đó là hẻm được mở rộng, khang trang hơn. Thậm chí có những con hẻm đã trở thành đường, không chỉ đáp ứng thuận lợi về giao thông mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đường Duy Tân nay đã rộng 8m, không chỉ giao thông thuận lợi mà kinh tế của người dân cũng khá hơn. Ảnh: THU HƯỜNG
Đường Duy Tân nay đã rộng 8m, không chỉ giao thông thuận lợi mà kinh tế của người dân cũng khá hơn. Ảnh: THU HƯỜNG

Đập nhà để hiến đất mở đường

Vừa nghe quận có chủ trương mở rộng hẻm 127 Cô Giang (phường 1 quận Phú Nhuận) từ 2,5m-3m lên 5m, bà Mai Tố Quỳnh (cư dân trong hẻm) lập tức thuyết phục gia đình hiến đất để quận tiến hành mở rộng hẻm.  

Diện tích đất trước đây của nhà bà Quỳnh là ngang 6m, dài 20m dọc theo hẻm 127, nhà xây gần hết đất. Thông thường, khi mở rộng hẻm thì  hai bên sẽ lùi vào hơn 1m nhưng nhà đối diện nhà bà Quỳnh rất ngắn, nếu lùi 1m sẽ hình thành nhà siêu mỏng nên họ không đồng ý hiến đất. “Nếu không giải quyết được khâu này thì việc mở rộng hẻm sẽ rất khó thực hiện, người dân phía trong mãi phải sống trong con hẻm nhỏ, chật chội, chính vì vậy tôi thuyết phục gia đình lùi 2m, tổng diện tích hiến là 40m² đất, chấp nhận đập nhà xây lại”, bà Quỳnh cho biết. Thời điểm hiến đất, giá đất khu vực nhà bà Quỳnh khoảng hơn 40 triệu đồng/m². Với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng tương ứng với 40m² đất là rất lớn, nhưng vì cái chung, vì cộng đồng, gia đình bà Quỳnh xung phong đi đầu và vận động các gia đình xung quanh hiến đất. Nhờ vậy mà hẻm 127 Cô Giang được mở thành đường 5m, taxi, xe cứu hỏa ra vào thuận lợi hơn.

Đường Duy Tân (phường 15 quận Phú Nhuận) trước đây cũng là hẻm rộng khoảng 3m. Nhờ sự chung tay của 126 hộ dân hiến gần 598m² đất mà hẻm được mở thành đường rộng lên hơn 8m, các phương tiện lưu thông rất thuận lợi.

Quận Phú Nhuận là quận tiên phong trong phong trào mở rộng hẻm từ năm 1999. Trải qua 20 năm, cả hệ thống chính trị quận và người dân đều nỗ lực mở rộng, nâng cấp, cải tạo hẻm, mở hẻm thành đường… Chỉ trong 10 năm trở lại đây, quận Phú Nhuận đã mở rộng 74 hẻm với diện tích gần 14.465m² đất do 3.103 hộ gia đình hiến. 

Ở quận 9, phong trào hiến đất mở rộng hẻm, mở đường cũng rất mạnh mẽ. Đường 606 (phường Long Thạnh Mỹ) nay khang trang, sạch đẹp với bề rộng 6m, có nơi rộng tới 10m. Nhiều khu vực được người dân chăm tỉa chậu hoa, cây cảnh, tạo mảng xanh dịu mát. Trước đây con đường này là hẻm nhỏ, có đoạn chỉ rộng 1m, thấp trũng, ngập nước vào mùa mưa. Để có được con đường như hiện nay là nhờ công đóng góp rất lớn của các hộ dân có nhà đất mặt tiền hai bên đường. Trong đó, ông Nguyễn Văn Kỉnh (ngụ số 606/3) đã hiến 327m² đất mặt tiền mà theo thời giá hiện nay có trị giá hơn 12 tỷ đồng. Để đẩy nhanh tiến độ mở hẻm thành đường, ông Kỉnh còn tự tháo dỡ 165m tường rào để giao đất cho đơn vị thi công và cùng địa phương đi vận động người dân hiến đất.  
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ quận 9 Trương Văn Trung cho biết, trong năm 2018, toàn quận mở rộng được 21 tuyến hẻm và đường với trên 200 hộ dân hiến gần 6.100m2 đất. Nếu tính tròn 15 năm vận động nhân dân thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trên địa bàn quận 9 đã mở rộng trên 100 tuyến hẻm, đường với số tiền 180 tỷ đồng; người dân hiến gần 20.000m2 đất làm đường trị giá khoảng 350 tỷ đồng.

Là người đầu tiên trong số 93 hộ dân ở hẻm 205 Trần Văn Đang (phường 11 quận 3) hiến đất mở rộng hẻm và cũng tích cực trong việc vận động hàng xóm hiến đất, ông Lê Hữu Thọ (ngụ 205/3 Trần Văn Đang, hiến 18m2 đất) vẫn không quên cảm xúc khi ngày đầu thấy mọi người đi lại thuận lợi, thoải mái. “Ngày trước hẻm này nhỏ lắm, chỗ chỉ rộng chừng 2m, chỗ thì hơn chút xíu, một cái xe ba gác đi vào là giao thông ùn ứ, vậy mà giờ 2 xe hơi tránh nhau ngon lành, xe cứu hỏa, cứu thương ra vào vô tư, đời sống của chúng tôi cũng tốt hơn nhiều”, ông Thọ chia sẻ.

Ông Nguyễn Trần Hoàng Phúc, Phó Chủ tịch UBND phường 11 quận 3, cho biết cuối năm 2018 hoàn tất việc mở rộng hẻm 205 Trần Văn Đang và đưa vào sử dụng, nơi rộng 6m, nơi lên đến 8m thì giá đất ở hẻm này đã tăng gấp 3 lần. Nhiều căn nhà lụp xụp trước đây cũng đã được xây mới, các hạng mục trong con hẻm đều khang trang hơn. Hẻm 205 Trần Văn Đang rộng hơn cả trục đường chính, do đó phường đang đề nghị nâng hẻm này thành đường. 

Cải thiện kinh tế

Hẻm 217 Cô Giang được mở rộng thành đường Cô Giang, bà Quỳnh xây 3 ki-ốt phía dưới để cho thuê, gia đình ở phía trên. Nhờ đó mà mỗi tháng, bà Quỳnh dùng một khoản để trả nợ tiền vay xây nhà, một phần trang trải sinh hoạt gia đình. 

Kinh tế gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc (ngụ đường Duy Tân) cũng ngày một khấm khá hơn nhờ vào cửa hàng ăn tại nhà. Bà Ngọc cho biết: “Ngày trước hẻm còn nhỏ, tuy đông người qua lại nhưng không mấy ai sử dụng dịch vụ trong hẻm. Giờ hẻm thành đường, rộng rãi, khang trang nên chúng tôi buôn bán cũng đông khách. Nhiều nhà được người ta thuê lại để mở công ty, thêm lượng nhân viên xuống ăn uống nên thu nhập của tôi tốt hơn nhiều”.

Trong buổi gặp gỡ Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân dịp Tết Nguyên đán 2019, Bí thư Quận ủy quận Phú Nhuận Trịnh Xuân Thiều cho biết trên địa bàn quận hiện có khoảng 9.000 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp lớn. Bên cạnh việc cải cách thủ tục hành chính thì cơ sở hạ tầng của quận đã góp phần thu hút các doanh nghiệp về mở trụ sở, văn phòng. “Khi xác định được vai trò của hạ tầng giao thông, chính quyền và người dân quận Phú Nhuận đã nỗ lực trong việc mở rộng hẻm, mở hẻm thành đường. Chủ trương này không chỉ tạo điều kiện cho giao thông thông thoáng, đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy mà còn giúp kinh tế phát triển, các hộ dân kinh doanh tốt hơn, giá trị đất tăng, nhiều nhà cho thuê mặt bằng để các doanh nghiệp mở văn phòng, tạo nguồn thu cao, ổn định. Trong thời gian tới, quận Phú Nhuận sẽ tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để mở rộng thêm nhiều tuyến hẻm thành đường”, ông Thiều thông tin.

Tương tự, ông Lê Tấn Huờn, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 3, cũng khẳng định nhờ công tác mở rộng hẻm mà kinh tế của người dân được cải thiện nhiều. Từ năm 2014-2018, trên toàn quận 3 đã mở rộng 22 hẻm với diện tích gần 3.669m² đất do 832 hộ gia đình hiến. “Sau khi hẻm mở rộng, giao thông thuận lợi, hạ tầng khang trang hơn, chỉ tính từ 2016-2018, đã có thêm 57 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh thành lập mới trong 22 hẻm trên. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình tự kinh doanh hoặc cho thuê mặt bằng nhằm ổn định kinh tế, trong các khu dân cư cũng bớt những căn nhà nhếch nhác, chật chội”, ông Huờn cho biết. Từ hiệu quả thiết thực ấy, năm 2019, quận 3 tiếp tục mở rộng 16 hẻm trên địa bàn để góp phần thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. 

Người dân TPHCM hiến hơn 2,2 triệu m² đất
Ông Châu Hoàng Thanh, Trưởng ban Phong trào Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, thông tin kết quả 15 năm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003-2018, người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m² đất, tính giá trị đất theo giá nhà nước thì ước tính người dân hiến trên 2.200 tỷ đồng.
Tiêu biểu như quận 2, người dân hiến 21.100m² (ước tính gần 122 tỷ đồng); quận 7 trên 5.500m² (74 tỷ đồng); quận 12 trên 11.000m² (33 tỷ đồng); quận Phú Nhuận trên 7.000m² (307 tỷ đồng); quận Tân Phú trên 26.000m² (gần 128 tỷ đồng). Tại các huyện ngoại thành, người dân hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới như huyện Hóc Môn trên 510.000m² (ước tính hơn 33 tỷ đồng); huyện Củ Chi trên gần 750.000m² (hơn 355 tỷ đồng); huyện Bình Chánh gần 790.000m² (trên 540 tỷ đồng)...

Tin cùng chuyên mục