Bóng đá bỏ quên tính cộng đồng

Với số lượng khán giả trung bình khi kết thúc lượt đi ước chừng chưa đến 6.000 người/trận, V-League 2017 nhiều khả năng lập kỷ lục đáng buồn về lượng khán giả đến sân trong lịch sử giải đấu có 15 tuổi đời này.

Bởi thông thường ở lượt về, tỷ lệ khán giả sẽ giảm ít nhất 30% so với lượt đi. Và cho dù lịch thi đấu lượt về sẽ kéo dài đến tận tháng 11 với 2 kỳ nghỉ ngắt quãng (hơn 2 tháng/kỳ), vẫn không thấy những phản ứng tích cực từ phía CĐV và nhà điều hành CLB. Về lý thuyết, với một tiến trình thi đấu kéo dài lê thê, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến nhà tài trợ và thói quen xem bóng đá hàng tuần cùa người hâm mộ.

Vấn đề nằm ở chỗ: V-League có đá hay không, cách tổ chức có chuyên nghiệp hay không, dường như chẳng còn nhiều người quan tâm, nên khó trông chờ những ý kiến phản biện, đóng góp. Giá trị của V-League với đời sống xã hội vì thế cũng đang tỏ ra mờ nhạt chưa từng thấy, sức ảnh hưởng cũng chẳng còn như trước đây. Thậm chí, đã có một so sánh rằng: sự đóng góp của bóng đá chuyên nghiệp hiện nay với thể thao Việt Nam còn thua xa các giải phủi vốn đang phát triển rầm rộ từ Bắc đến Nam với hàng ngàn trận đấu suốt năm, thu hút lượng người chơi khổng lồ, tạo nên một phong trào tập luyện thể thao theo hướng vui, khỏe. Bằng chứng là lượng khán giả trung bình đến xem các trận đấu trong khuôn khổ V-League tại sân Thống Nhất (TPHCM) hay Cần Thơ chỉ ngang bằng với một trận đấu phủi ở Hà Nội, nơi cũng chỉ có duy nhất một CLB đang đá tại V-League. 

Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có thể đến từ việc bóng đá đỉnh cao của Việt Nam không còn gắn liền với cộng đồng. Không ai có thể kể được trong một năm, các đội bóng, cầu thủ chuyên nghiệp Việt Nam đã làm được điều gì để thể hiện trách nhiệm xã hội, đồng thời cũng là cách để giúp họ kết nối với khán giả. Trong khi đó, nếu để ý, các CLB nổi tiếng ở nước ngoài nếu sang Việt Nam thi đấu đều dành 70% thời gian để hoạt động xã hội. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong quá trình thi đấu, các CLB và cầu thủ chuyên nghiệp phải có trách nhiệm tham gia các hoạt động cộng đồng trong những dịp lễ hay sự kiện từ thiện. Thậm chí, trong các án kỷ luật cũng có kèm theo những chế tài buộc cầu thủ phải dành bao nhiêu thời gian để “lao động công ích”, điều này khiến họ có trách nhiệm hơn với hành vi trong thi đấu của mình.

Tại Việt Nam, hoàn toàn thiếu vắng các hoạt động xã hội, từ thiện, dù là tổ chức “ăn theo” các trận đấu. Những hoạt động mang tính chất tôn vinh, đá giao hữu từ thiện, giao lưu với người hâm mộ hay đơn giản như một chuyến viếng thăm các trường học, nơi nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… đều rất hiếm, trừ trường hợp có nhà tài trợ gợi ý. Giữa bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam với khán giả gần như chỉ có một sự liên kết, đó là 90 phút thi đấu trên sân. Nhưng với tình trạng bạo lực, vấn đề trọng tài và kể cả tiêu cực trong thi đấu, thì mối liên kết ấy hoàn toàn không đem lại kết quả.

Dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp, bóng đá chỉ tồn tại khi có khán giả. Càng chuyên nghiệp lại cần phải biết cách kết nối với khán giả, với các hoạt động bên ngoài sân bóng. Đó vừa là trách nhiệm xã hội của bóng đá trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng, còn là một hoạt động đem lại hiệu quả kinh doanh cho bóng đá. Một khi giải bóng đá số 1 quốc gia như V-League bị người hâm mộ thờ ơ thì đấy là thất bại không thể bào chữa.

Tin cùng chuyên mục