Boléro, ngày ấy và bây giờ

LTS: Tác giả Trần Hữu Ngư là một “tín đồ” và là nhà nghiên cứu boléro được nhắc đến trong bài “Lạm dụng boléro” trên Báo SGGP số ra ngày 26-11-2017. Qua bài viết này, ông Trần Hữu Ngư chia sẻ thêm những hiểu biết của ông về thể loại âm nhạc này.
Trước 1975, nghe nhạc boléro là chuyện thường ngày như cơm bữa. Sáng tác nhạc boléro là phong trào của các nhạc sĩ và hát boléro cũng là sự lựa chọn của ca sĩ. Chính boléro đã làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ và ca sĩ, trong đó có tiền tài, danh vọng và khán giả mến yêu.

Xét cho cùng boléro chỉ là một nhịp điệu như tango, rumba, slow…, nhưng chỉ có boléro mang tiếng là nhạc vàng, nhạc sến! Nếu hỏi nhạc vàng, nhạc sến là gì, nhiều người không trả lời được. Nếu tôi không lầm thì trước 1975 không có từ “nhạc sến”. Từ ma-ri-sến chỉ những người gánh nước mướn, ở đợ, làm thuê… nhân lúc nghỉ ngơi thường ngâm nga boléro. Vậy thì những ma-ri-sến mê hát boléro chớ không phải boléro là nhạc sến. Đó là sự lầm lẫn đáng tiếc giữa ma-ri-sến và nhạc boléro. Trước 1975 có từ nhạc vàng, nhưng vàng này là “gold” chứ không phải là vàng vọt!

Nhạc boléro mang chủ đề thân phận con người trong chiến tranh, ca ngợi quê hương, từ một cánh cò, đàn trâu, đồng ruộng, mùa gặt, con đê, dòng sông, lũy tre… Có đôi khi đó là những bài hát thất tình, những nỗi đau trong chiến tranh, những dằn vặt đời lính, những cô đơn tột cùng, những chia ly nghiệt ngã. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, nhạc boléro vẫn là những ước mơ bình an dưới mái tranh nghèo, những khuây khỏa trong lúc im tiếng súng, những chiều vàng thơ thẩn trên ruộng đồng, mệt nhoài những nỗi đau tột cùng của tử biệt sinh ly.
Boléro, ngày ấy và bây giờ ảnh 1 Một chương trình về dòng nhạc bolero trên sóng truyền hình
 Ngày ấy, boléro được sinh ra trong chiến tranh, là tiếng lòng, có đôi khi là nỗi đau khôn nguôi và cũng có lúc là những hạnh phúc ngắn ngủi. Boléro là bài ca số phận, cho dù số phận của mình hay ai khác. Nhạc boléro đứng được trong lòng người nghe vì những bối cảnh rất đời thường quanh quẩn đâu đây, như một sớm mai ra đồng, một buổi chiều trên con đê tắt nắng, những phận người nơi đầu ghềnh cuối bãi… Cho nên nghe và hát lên là thấy mình, bạn bè, người thân trong những ca khúc ấy.
Trong những năm chiến tranh, ở miền Nam, học sinh, sinh viên xuống đường đấu tranh bằng những ca khúc phản chiến, người ta cứ tưởng nhạc boléro sẽ bị quên lãng. Nhưng không, nhạc boléro vẫn là những “bài ca không bao giờ quên” của tình yêu đôi lứa, tình thương quê hương, mà hát ở thời nào cũng không ảnh hưởng đến “hòa bình thế giới”. Boléro xuất hiện trong 9 năm kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, dân miền Nam biết nghe nhạc cũng từ những bài hát mang nhịp boléro. Khởi đầu là những bài ca ngợi cây lúa, tiếp theo là tình yêu tha thiết quê hương, tình yêu đôi lứa, hợp tan trước sóng gió cuộc đời… Nói chung, nhạc boléro không làm dáng trí thức, đôi khi chỉ là than vãn nghiệt ngã của cuộc đời, chạnh lòng trước một chiếc lá rơi, mân mê hạt lúa no tròn, say sưa nhìn lúa vàng ngút mắt… Bây giờ boléro được hát trở lại. Có không ít bài bài báo viết “Boléro đã trở lại”. Thật ra boléro có đi đâu mà trở lại? Những cuộc thi “Solo cùng boléro”, “Thần tượng boléro”… đã làm nức lòng khán thính giả với những bài tình ca boléro vang bóng một thời do những giọng ca không chuyên, không phân biệt tuổi tác, như những con chim lâu ngày ngứa cổ hót chơi! Người nghe có cảm tưởng đây là những giọng ca không thua gì ca sĩ chuyên nghiệp, có đôi khi hay hơn những ca sĩ “múa hay hơn hát”! Hát boléro là đốt lò hương cũ, nghe boléro là nghe những kỷ niệm của một thời, để lòng mình chìm đắm trong miền ký ức, thắp lên dĩ vãng của những năm tháng hun hút xa xưa, là phút thư giãn sau một ngày bon chen…  Đừng ca ngợi tâng bốc boléro quá đà, những lời hoa mỹ gán cho nó, chỉ thêm tội nghiệp boléro mà thôi. Boléro chỉ là những bài hát bình dân, không làm dáng nhưng rất có duyên. Boléro không triết lý, sính chữ, lại dễ ca, dễ thuộc, nên nó thích hợp với mọi tầng lớp dân chúng bình dân. Ngày nay người ta bỗng dưng làm mới boléro như phá cách nhịp điệu. Làm mới đâu không thấy, chỉ thấy boléro không còn hồn trong cái gọi là mới ấy. Phá nhịp điệu đã đành, còn phá phong cách như vặn mình, uốn éo, nhả chữ, phun câu rất “nhạc viện”. Boléro được sinh nơi đồng chua nước mặn, như một anh nông dân chất phác, một cô gái nhà quê, hãy để nó hồn nhiên, đừng lột xác nó bằng cách khoác lên mình những trang phục lộng lẫy, trét phấn bôi son, nhưng trông rất kệch cỡm. Boléro đã hát trở lại. Tất nhiên là những bài hát sáng tác trước 1975 và được cho phép. Sáng tác nhạc boléro, hát nhạc boléro, liệu nhạc sĩ và ca sĩ trưởng thành sau này có đánh bật được đàn anh đàn chị trước 1975? Nếu được, thì mong lắm thay!

Tin cùng chuyên mục