Bồi thường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Không chỉ làm khó mà còn vô cảm!

Nỗi đau của những gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn chưa nguôi thì gần đây họ lại vô cùng bối rối, đau khổ và bức xúc khi nhận được yêu cầu từ phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình phải có hóa đơn về việc lo ma chay cho người tử vong mới được bồi thường.

Bồi thường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Không chỉ làm khó mà còn vô cảm!

Gần nửa năm trôi qua, dư luận cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ tai biến chạy thận xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm 18 bệnh nhân chạy thận bị sốc phản vệ trong đó có 8 người tử vong.

Nỗi đau của những gia đình có nạn nhân tử vong trong vụ tai biến này vẫn chưa nguôi ngoai thì gần đây họ vô lại cùng bối rối, đau khổ và bức xúc khi nhận được yêu cầu từ phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là phải có hóa đơn tài chính về việc lo ma chay cho người tử vong mới tiến hành bồi thường. Mặc dù ngay sau đó, vị lãnh đạo Sở Y tế kiêm giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã kịp thời lên tiếng giải thích rằng những chứng từ, hóa đơn mà bệnh viện yêu cầu người nhà bệnh nhân tử vong phải trình ra để làm căn cứ cho yêu cầu bồi thường không nhất thiết phải là hóa đơn đỏ, hóa đơn tài chính. Thế nhưng yêu cầu trên của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vẫn thực sự làm khó gia đình bệnh nhân. Điều này cũng khiến dư luận phẫn nộ và bức xúc.

Rõ ràng không có sự đau xót nào bằng nỗi đau mất đi người thân. Và để những người không may tử vong được "nhắm mắt, xuôi tay", thì những người còn sống, người thân khi tổ chức tang lễ luôn tâm niệm cố gắng làm sao cho tang lễ, hậu sự được chu đáo, vẹn toàn nhất. Đâu có mấy ai lại tính toán, so đo đi lấy hóa đơn để tính chuyện "thiệt hơn" sau này.

Hơn nữa, trong lúc "tang gia bối rối" cũng chẳng có ai có thể nghĩ ra được chuyện phải lấy hóa đơn, hay kê khai chi tiết các khoản ma chay để làm cơ sở yêu cầu bệnh viện phải bồi thường.

Ngoài ra trong khi tổ chức tang lễ còn nhiều chi phí, phát sinh mà không thể chứng minh bằng hóa đơn.

Quả thực, gia đình của những bệnh nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình chẳng thể ngờ rằng để có được nhận bồi thường thiệt hại từ bệnh viện, nhằm an ủi phần nào đó cho vong linh người chết thì họ lại phải có được hóa đơn chứng từ làm tang lễ.

Trong khi đó, gia đình của những nạn nhân trong vụ tai biến này đều là hộ nghèo, người dân tộc ở vùng cao nên việc bệnh viện yêu cầu họ phải có hóa đơn đám tang thì chẳng khác nào đánh đố nhau, khiến nỗi đau mất người thân thêm nặng nề và đau xót hơn.

Bồi thường vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Không chỉ làm khó mà còn vô cảm! ảnh 1 Một bệnh nhân bị tai biến chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình

Vẫn biết rằng cá nhân, đơn vị nào để xảy ra sai phạm chuyên môn, vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm. Do đó, trong vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình hay còn là sự cố y khoa nghiêm trọng nhất từ trước nay ở Việt Nam thì trách nhiệm đầu tiên là thuộc về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, nhưng Sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế không thể vô can.

Tuy nhiên sau vụ tai biến nghiêm trọng trên, liên quan tới việc bồi thường thiệt hại cho những gia đình có bệnh nhân tử vong đến nay mới chỉ có phía bệnh viện đứng ra đối thoại trao đổi và hỗ trợ ban đầu cho những gia đình có người tử vong. Trong khi đó, Sở Y tế Hòa Bình và Bộ Y tế lại dường như vô cảm, vô can khi không có động thái, ý kiến nào đề cập tới việc bồi thường thiệt hại nhằm chia sẻ sự mất mát rất lớn của 8 gia đình có người thân tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình vào cuối tháng 5 vừa qua.

Tính mạng con người không có gì có thể đánh đổi, tiền bạc nào cũng không thể mua được. Vì thế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình yêu cầu người nhà của 8 bệnh nhân tử vong trong vụ tai biến chạy thận phải có hóa đơn, chứng từ về việc lo ma chay để làm cơ sở cho việc được bồi thường là hoàn toàn vô lý, không thực tế và cũng rất lạnh lùng và vô cảm.

Tới đây, nếu không thống nhất được mức bồi thường thiệt hại thì phía Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và người nhà bệnh nhân sẽ phải nhờ tới sự can thiệp của tòa án. Lúc đó, bệnh viện sẽ phải chấp hành và nghiêm túc thực hiện phán quyết của luật pháp nhưng chắc chắn rằng phán quyết của lương tâm, đạo lý sẽ còn đeo đẳng mãi, khó mà thể thực hiện được.

Tin cùng chuyên mục