Bồi dưỡng cấp tốc để “gánh” chương trình

Hai môn học mới của Chương trình GDPT 2018 là Khoa học tự nhiên và Lịch sử - Địa lý được các trường THCS triển khai khác nhau. Có trường phân công một giáo viên đảm nhận cả môn học, có nơi tách ra từng phân môn, bố trí 2-3 giáo viên cùng giảng dạy. 

Cá biệt, có đơn vị năm học trước bố trí mỗi phân môn một giáo viên đứng lớp, nhưng năm học này do khó khăn về biên chế nên gom chung một giáo viên. Thực tế này khiến các thầy, cô rơi vào thế bị động, bồi dưỡng cấp tốc kiến thức trong vòng 2-3 tháng nhưng “gánh” chương trình cả môn học. 

Cô Nguyễn Thị Phương Thanh, giáo viên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Bạch Đằng (quận 3), bày tỏ, để dạy “đều tay” các mảng kiến thức trong môn tích hợp cần quá trình tích lũy kiến thức và kinh nghiệm của giáo viên. Thời điểm hiện tại, giáo viên được bồi dưỡng kiến thức dạy môn tích hợp chỉ đáp ứng yêu cầu dạy học cơ bản, song để mở rộng, chuyên sâu kiến thức và kỹ năng cho học sinh thì rất khó.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết, thời điểm triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường đại học chưa có mã ngành đào tạo giáo viên đa môn. Do đó, việc sử dụng đội ngũ sẵn có - dù được đào tạo đơn môn là tất yếu. Nói thêm về việc đào tạo, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn Võ Văn Thật cho biết, năm 2019 trường bắt đầu mở mã ngành đào tạo sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Theo lộ trình đào tạo 4 năm thì cuối năm 2023 mới có lứa giáo sinh đầu tiên tốt nghiệp ra trường với 30 giáo viên ở mỗi ngành học. Hiện nay, còn khoảng 90% sinh viên theo học. Như vậy, ước tính có hơn 50 giáo sinh ra trường. 

Còn Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cuối năm 2023, sẽ có hơn 100 giáo sinh đầu tiên tốt nghiệp hai ngành sư phạm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Song, câu hỏi được đặt ra là với số lượng giáo viên đa môn hàng năm tốt nghiệp ra trường, bài toán phân bổ giáo viên sẽ tính toán như thế nào để không xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu như từng xảy ra với các môn học khác?

Tin cùng chuyên mục