Bồi bổ “sức khỏe” cho doanh nghiệp

Trong khi chờ đợi những kết quả chính xác hơn từ cuộc tổng điều tra kinh tế (đang được Tổng cục Thống kê thực hiện trên toàn quốc), những thống kê cập nhật gần đây nhất đã cho thấy tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).
Ảnh minh họa: CAO THĂNG
Ảnh minh họa: CAO THĂNG

Cụ thể, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 2-2021 đạt 8.038 DN, giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, nguyên nhân do tháng 2 trùng với thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, số vốn đăng ký trong tháng 2-2021 đạt 179.700 tỷ đồng, tăng 15,9% về vốn đăng ký. Tính ra, vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong tháng đạt khoảng 22,4 tỷ đồng, tăng 45,5% so với tháng trước và tăng 111,6% so với cùng kỳ năm trước. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm 80,1% về số lượng và giảm 21,3% về vốn đăng ký; số DN tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể giảm 53,5% về số lượng và giảm 32,2% về vốn đăng ký... Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế là 720.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trung bình mỗi tháng có 14.600 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Bình luận về những việc cần làm trong thời gian tới để tiếp tục bồi bổ “sức khỏe” cho DN, TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nhấn mạnh yêu cầu cải cách các thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường đất đai, từ đó tạo xung lượng lớn cho phát triển cũng như làm xã hội hài hòa hơn. Bên cạnh đó, cải cách hành chính tiếp tục là một yêu cầu tất yếu. Trong bối cảnh thế giới vẫn đang vất vả đối phó với dịch bệnh Covid-19 và nhiều biến động khác và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn “lơ lửng” đối với nền kinh tế trong nước, động lực tăng trưởng không còn mạnh mẽ như trước thì cải cách hành chính để nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, giảm chi phí trên mọi phương diện cho DN, trong đó có cả chi phí cơ hội, là rất cần thiết. Đây là việc mà nền kinh tế nào cũng cần phải làm thường xuyên, liên tục, ngay cả các nước trong OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế). 

Thực tế cho thấy đôi khi chỉ một cải tiến nhỏ cũng đem lại kết quả đáng kể. Đơn cử, chỉ sau 1 tháng thực hiện Nghị quyết 169/NQ-CP ngày 11-11-2020 của Chính phủ về việc khai và chia sẻ dữ liệu điện tử thông tin phương tiện nhập khẩu, bãi bỏ tờ khai nguồn gốc đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ nhập khẩu, các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan tiết kiệm được hàng trăm ngàn giờ công mỗi năm; các DN cũng tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí, giảm bớt nhiều nhân lực làm công tác này. Trong khi những vướng mắc phát sinh là không đáng kể và đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn giải quyết hoặc phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đơn vị vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (Văn phòng Chính phủ) kịp thời giải quyết.

Tin cùng chuyên mục