Bóc tách khối u nặng gần 6 kg cho nữ bệnh nhân nhiễm HIV

Sáng 18-4, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TPHCM thông tin vừa phẫu thuật bóc tách thành công khối u nặng gần 6 kg cho một bệnh nhân nhiễm HIV bị ung thư buồng trứng và ung thư tuyến vú.

Các bác sĩ bóc tách khối u nặng gần 6 kg cho nữ bệnh nhân nhiễm HIV
Các bác sĩ bóc tách khối u nặng gần 6 kg cho nữ bệnh nhân nhiễm HIV

Bệnh nhân là chị Đ.T.T.N (26 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nhập viện trong tình trạng bụng phình to, đau âm ỉ, một bên vú sưng to có kích thước 15cm, lở loét, chảy dịch, có mùi hôi thối và ăn vô cả phần hạch nách.

Thông qua siêu âm và xét nghiệm, các bác sĩ nhận định bệnh nhân đồng thời mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng giai đoạn 2. Đặc biệt, bệnh nhân bị nhiễm HIV do bị lây bệnh từ chồng. Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết, cách đây 3 năm chị phát hiện một khối u nhỏ ở nách nhưng do chán nản, có tâm lý buông xuôi, chị không đi khám bệnh.

Tuy nhiên càng ngày khối u ở nách càng lớn dần, lở loét và bụng cũng ngày một phình to nên chị mới đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM khám bệnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu: "Đây là một ca đặc biệt, chúng tôi phải hết sức thận trọng để giữ cho bản thân, đồng nghiệp và bệnh nhân.

Đối với việc mổ ung thư buồng trứng, các mạch máu tăng sinh rất nhiều, có khi to bằng chiếc đũa, nếu không kiểm soát tốt, máu có thể xịt ra bất cứ lúc nào, khi ấy có thể bắn vào mắt các y, bác sĩ thực hiện phẫu thuật. Khoa Ngoại I là khoa điều trị phẫu thuật ung thư phụ khoa, nhận rất nhiều ca khó, nặng và cũng gặp nhiều trường hợp bị nhiễm HIV.

Tuy nhiên, chúng tôi không thể từ chối mổ vì bị HIV, bệnh nhân sống lâu hơn còn ung thư mà không mổ, bệnh nhân sẽ tử vong. Nói thật, nếu không yêu nghề, chúng tôi không thể làm được việc đó!”- bác sĩ Nguyễn Văn Tiến cho hay.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy khối u buồng trứng ra trước. Sau 2 giờ phẫu thuật các bác sĩ đã lấy khối u ra khỏi buồng trứng của bệnh nhân.

Sau khi mổ cắt buồng trứng, cắt tử cung, việc chăm sóc hậu phẫu trong vòng 10 ngày cũng là một quá trình gian nan. Vì người bị HIV, hệ thống miễn dịch yếu nên các vết thương cũng lâu lành hơn.

Bên cạnh đó, vết thương của bệnh nhân đã bị lở loét, có nguy cơ phơi nhiễm cho nhân viên y tế và các bệnh nhân khác.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân sau phẫu thuật cắt u buồng trứng đã ổn định và đang được tiếp tục vô hóa chất để điều trị ung thư vú.

Tin cùng chuyên mục