Bỏ vũ khí hạt nhân, mở ra kỷ nguyên mới

Đã đến lúc cần loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới và bắt đầu một kỷ nguyên mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình. Đây là tuyên bố của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) Antonio Guterres nhân Ngày Quốc tế xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân 26-9. 

Mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất

Phát biểu nhân ngày đánh dấu kỷ niệm 30 năm đóng cửa bãi thử hạt nhân Semipalatinsk ở Kazakhstan, nơi có hơn 450 thiết bị hạt nhân đã phát nổ trong hơn 4 thập niên, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh mặc dù tổng số vũ khí hạt nhân đã giảm trong nhiều thập niên, nhưng  hiện trên thế giới vẫn có khoảng 14.000 đơn vị vũ khí loại này.

Theo ông, thế giới đang đối mặt với “mức độ rủi ro hạt nhân cao nhất” trong gần 4 thập niên qua. Do đó, Tổng Thư ký LHQ cho rằng hiện là thời điểm cần loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi thế giới, mở ra một thời kỳ mới của đối thoại, tin cậy và hòa bình cho tất cả người dân.

Ông Guterres cho biết các vụ thử hạt nhân đã gây ra thiệt hại rất lớn cho con người và môi trường: Chúng đã gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với sức khỏe của những người sống trong khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều người buộc phải dời khỏi vùng đất tổ tiên khiến cuộc sống và sinh kế của họ bị gián đoạn. Môi trường và hệ sinh thái nguyên sơ đã bị phá hủy, sẽ mất nhiều thập niên, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ, để chữa lành.

Bỏ vũ khí hạt nhân, mở ra kỷ nguyên mới ảnh 1 Hình ảnh bãi thử hạt nhân Semipalatinsk ở Kazakhstan sau 30 năm kể từ khi đóng cửa

Ngay sau khi đóng cửa bãi thử Semipalatinsk, được kỳ vọng báo hiệu sự kết thúc của kỷ nguyên thử nghiệm hạt nhân không kiềm chế, các nước bắt đầu đàm phán về Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT).

Tuy nhiên, cho dù hiệp ước có hiệu quả tạo lực hãm cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và tạo ra rào cản mạnh mẽ cho việc phát triển vũ khí hạt nhân mới, đến nay CTBT vẫn không có hiệu lực thi hành do một số nước chưa ký hoặc đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

Chờ lời kêu gọi thành hiện thực 

CTBT được ký cách đây 25 năm (24-9-1996), là một trong các văn kiện quốc tế thể hiện nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không vũ khí hạt nhân. Nội dung chính của hiệp ước nêu rõ trách nhiệm đối với tất cả quốc gia thành viên không được thử nổ vũ khí hạt nhân trong mọi môi trường trên lãnh thổ của mình và cũng không được tham gia hay khuyến khích bất cứ vụ nổ hạt nhân nào ở bất cứ đâu trên thế giới.

CTBT đến nay vẫn không có hiệu lực thi hành do một số nước chưa ký hoặc đã ký nhưng chưa phê chuẩn. Trong đó có 8 nước, gồm 3 nước không ký hiệp ước là Ấn Độ, Triều Tiên và Pakistan và 5 nước đã ký nhưng chưa phê chuẩn là Mỹ, Trung Quốc, Ai Cập, Israel và Iran. 

Trong 3 nước không ký hiệp ước, với riêng trường hợp Triều Tiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young ngày 24-9 cho rằng: “Tuyên bố kết thúc chiến tranh là con đường dẫn tới hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và là chất xúc tác cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa…”.

Trong lĩnh vực quân sự, đây cũng là một biện pháp rất hữu ích và quan trọng có thể làm mất đi ý định chiến tranh và thù địch, cũng như thúc đẩy sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau mà không có bất kỳ sự thay đổi đột ngột nào đối với tình hình hiện nay. 

Trong khi đó, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Waheguru Pal Sidhu - thành viên Viện Nghiên cứu và Phân tích quốc phòng (New Delhi), đồng thời là thành viên Hội đồng Cố vấn quốc tế của Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân, cho rằng, ngày càng có nhiều điểm nóng xung đột trong quan hệ giữa các quốc gia hạt nhân và có rất ít thỏa thuận có thể giúp các bên giảm căng thẳng.

Điều này có nghĩa là không thể loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự, có thể leo thang thành mối đe dọa hạt nhân hoặc thậm chí thành chiến tranh hạt nhân, cũng không loại trừ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa các đối thủ cũ là Ấn Độ và Pakistan, những nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, những kẻ khủng bố cũng có thể kích động một cuộc đối đầu hạt nhân giữa các nước.

Tin cùng chuyên mục