Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Hạn chế tối đa năng lượng xấu từ mạng xã hội

“Báo chí đã từng viết: trên mạng xã hội người ta không coi nhau là con người, tuy nặng nề nhưng rất đáng suy nghĩ”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói. 
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. Ảnh: Quochoi.vn
Từ 10 giờ 20 ngày 17-11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Trương Minh Tuấn. 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 70 đại biểu đã đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn.
Các đại biểu sẽ chất vấn việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. 
Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. 
Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan (nếu có).

Kiểm soát chương trình truyền hình liên kết

Là ĐB đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nêu xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình là cần thiết, nhưng có hay không truyền hình thương mại đang lấn lướt truyền hình công, truyền hình nhà nước?

Theo Bộ trưởng, thực hiện liên kết các chương trình truyền hình thì chủ yếu là thiên về giải trí. Trước đây có nhiều sai phạm. Nhưng thời gian qua, các đài truyền hình đã chấn chỉnh, mức độ vi phạm giảm đi nhiều nhưng sai sót vẫn còn. Trước hết là vai trò của cơ quan báo chí khi thực hiện liên kết. Bộ TT-TT cũng thường xuyên tăng cường nhắc nhở, quản lý, yêu cầu chương trình của đài tự sản xuất phải đạt 30%; các chương trình liên kết không được quá 50%. Xã hội hóa truyền hình là tất yếu nhưng không được lấn lướt  các chương trình của đài.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nêu thực tế xây dựng Chính phủ điện tử đầu tư khá nhiều tiền nhưng doanh nghiệp, người dân chưa được hưởng lợi nhiều trong tiếp cận các dịch vụ công.

Bộ trưởng Bộ TT-TT cho biết, về xây dựng Chính phủ điện tử, hiện các bộ ngành đã đẩy mạnh việc cung cấp dịch cụ công trực tuyến, đã hơn 900 dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3,4 của các bộ ngành. Hơn 14.000 dịch vụ công trực tuyến được các địa phương cung cấp. Hồ sơ trực tuyến trong các lĩnh vực đều ngày càng tăng, nhất là thuế, hải quan... Điều đó giúp giảm thời gian, công sức cho doanh nghiệp, người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến nhiều nơi chưa có hiệu quả, chủ yếu dùng trong việc lưu trữ văn thư. Trong vấn đề này, trách nhiệm người đứng đầu rất quan trọng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm thì ở đó hiệu quả tốt. Bộ trưởng cho biết hàng loạt giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử đang được đẩy mạnh.

Tăng cường xử lý sai phạm của báo chí

ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An), ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đánh giá cao vai trò, chức năng của báo chí, nhưng tình trạng thông tin sai sự thật đang có chiều hướng gia tăng, quản lý thế nào?

ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) nêu một số phóng viên hù dọa doanh nghiệp, người dân để “tống tiền” khiến xã hội bức xúc.

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng nêu tình trạng một số phóng viên hoạt động nhiều sai phạm, giật tít câu views, gây nhiễu loạn xã hội, dân rất bức xúc.

Bộ trưởng thừa nhận, đây là vấn đề nhức nhối hiện nay. Báo chí luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước, nhân dân trong mọi lĩnh vực. Nhưng gần đây sai phạm báo chí rất lớn, dù vậy cũng không làm biến dạng dòng chảy chính của báo chí cách mạng. Luật báo chí quy định quyền tự do của báo chí nhưng cũng quy định rõ những hành vi bị cấm. Bộ TT-TT thường xuyên tăng cường quản lý báo chí.

Năm 2016, Bộ TT-TT xử phạt gần 150 cơ quan báo chí, trong đó sai phạm về đăng tin thông tin sai sự thật chiếm số lượng lớn; có thời điểm trong  1 tháng, hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật. Bộ TT-TT và Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên nhắc nhở các báo. Tới đây, Bộ tiếp tục tăng cường quản lý báo chí, rà soát lại tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí, rà soát việc cấp thẻ nhà báo, rút thẻ với những nhà báo sai phạm, rà soát việc cấp các loại thẻ gây nhầm lẫn với thẻ nhà báo...

Hạn chế tối đa năng lượng xấu từ mạng xã hội

ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)... và các ĐB đều chất vấn về tình trạng thông tin sai sự thật tràn lan trên mạng; nhiều thông tin độc, giả mạo, xúc phạm tổ chức, cá nhân, xuyên tạc chủ trương, chính sách... từ mạng có địa chỉ ở nước ngoài, quản lý ra sao? Thực tế này gây tác động rất xấu đến dư luận, người dân, nhất là thanh thiếu niên.

"Có hay không tình trạng thông tin trên mạng xã hội đang lấn át thông tin chính thống", ĐB Cao Thị Xuân chất vấn.

Trả lời nhóm vấn đề này,  Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam là quốc gia đi đầu về ứng dụng CNTT. 15 năm trước, không ai ngờ phát triển như hiện nay, 15 năm tới không biết sẽ phát triển tới đâu? Giới trẻ Việt Nam đặc biệt thích nghi quá nhanh với CNTT.

Theo Bộ trưởng, mạng xã hội là nhu cầu tất yếu. Vai trò của mạng xã hội không thể phủ nhận, không ai đi ngược lại xu hướng đó. Nhưng bên cạnh những tiện ích đó thì tác hại cũng rất lớn. Thông tin sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, đời tư; khiêu dâm.. ngày càng nhiều. Trong đó, có nhiều hạng người, nên không thể coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà quan trọng là ý thức của người sử dụng.

“Báo chí đã từng viết: trên mạng xã hội người ta không coi nhau là con người, tuy nặng nề nhưng rất đáng suy nghĩ”, Bộ trưởng nói.  Dù chỉ một bộ phận người sử dụng mạng có thái độ tiêu cực nhưng tác hại thì rất lớn. Tình trạng ném đá tập thể trên mạng xã hội, lăng mạ, nhục hạ nhau khá phổ biến trên mạng xã hội. Theo Bộ trưởng, không thể cấm, nên vấn đề là phải hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng.
Hiện cả nước có 363 trang mạng xã hội trong nước, các trang này cơ bản đều tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Với mạng xã hội nước ngoài, Facebook và Youtube, là 2 mạng có đông người dùng Việt Nam sử dụng nhất, gần 90 triệu thành viên (tính đến 30-9-2017, Facebook có khoảng 53 triệu thành viên, Youtube có khoảng 35 triệu thành viên tại Việt Nam). Như vậy, chủ yếu là dùng mạng xã hội nước ngoài. Các thông tin tiêu cực như xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, kêu gọi kích động biểu tình, chống phá nhà nước... chủ yếu tồn tại trên các mạng xã hội nước ngoài do nhận thức của người sử dụng cho rằng mạng xã hội là môi trường ảo nên có thể tự do phát ngôn mà không phải chịu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân.
Để chấn chỉnh tình hình, Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ theo quy định tại Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT.

Cùng với đó, qua báo chí để dẫn dắt các thông tin tích cực, đính hướng thông tin cho dư luận.

Ngoài ra, Bộ TT-TT cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác định hành vi, đối tượng và ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh tính hoặc đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước...

Buổi chiều, từ 14 giờ 00 đến 16 giờ 50 (giải lao từ 15 giờ 30 đến 15 giờ 50), Bộ trưởng Bộ TT-TT và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ 3.
Từ 16 giờ 50 đến 17 giờ 00, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT-TT.

Tin cùng chuyên mục