Bộ trưởng kêu gọi người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH kêu gọi người lao động: “kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách, hoặc kiên quyết từ chối, hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình”.

Ngày 6-5, tại TPHCM, Ban Chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 (tháng 5-2018) cấp quốc gia. Chủ đề: “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Tham dự có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH, Trưởng Ban chỉ đạo; Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; ông Chang Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Phát động tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước đã được ban hành nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về an toàn vệ sinh lao động. Tần suất tai nạn lao động đã giảm trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao; đã có những điển hình, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động; nhiều doanh nghiệp với hàng vạn lao động làm việc trong lĩnh vực có nguy cơ cao nhưng đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, không để xảy tai nạn lao động nặng hoặc chết người; lĩnh vực khai thác khoáng sản đã giảm hẳn được số người chết so với các năm trước nhờ thực hiện các giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động.

Bộ trưởng kêu gọi người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn ảnh 1 Khám bệnh miễn phí cho công nhân Công ty Pouyuen (quận Bình Tân, TPHCM)  trong Tháng  hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động chưa thực sự tốt, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số vụ sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao. Chỉ tính riêng năm 2017, trên toàn quốc đã xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 900 người chết và hơn 8.000 người bị thương. Những tháng đầu năm 2018 số vụ tai nạn lao động, hỏa hoạn, cháy nổ tăng cao, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết và bị thương nhiều người vẫn đã xảy ra.

“Những thách thức và nguy cơ mới trong công tác an toàn, vệ sinh lao động gia tăng; số doanh nghiệp và lao động tham gia thị trường lao động ngày càng nhiều, các ngành nghề mới, yếu tố nguy hiểm có hại do công nghệ, thiết bị, vật liệu, hóa chất mới ngày càng tăng trong khi đó nhiều người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá.

Bộ trưởng kêu gọi người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn ảnh 2 Quang cảnh Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 có mục tiêu cao nhất là chăm lo và bảo vệ sinh mạng và sức khỏe người lao động, an sinh của người dân, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.

Bộ trường Đào Ngọc Dung yêu cầu các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ năng phân tích, đánh giá, nhận diện và đề ra giải pháp ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Coi đây là bước đột phá nhằm thay đổi từ ý thức, nhận thức thành các hành động cụ thể của từng doanh nghiệp và người lao động. Cần triển khai các hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động tới cả trong khu vực có và không có quan hệ lao động, khu vực phi kết cấu, trong nông nghiệp và các làng nghề.

Với cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung yêu cầu, phải nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng chí Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở cần đổi mới, sử dụng công nghệ, máy thiết bị tiên tiến, có quy trình, biện pháp làm việc an toàn.

Bộ trưởng kêu gọi người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn ảnh 3 Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung đề nghị người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn để tự bảo vệ bản thân

Đặc biệt với người lao động, đồng chí Đào Ngọc Dung cho rằng, trước hết vì sức khỏe, tính mạng và lợi ích của chính mình, người lao động cần tuân thủ đúng các quy trình làm việc; chủ động trang bị kiến thức, các kỹ  năng làm việc an toàn. Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH kêu gọi người lao động: “kịp thời phản ánh với cơ quan chức trách, hoặc kiên quyết từ chối, hoặc rời bỏ công việc, nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân, đồng nghiệp và gia đình”.

Bộ trưởng kêu gọi người lao động phản ánh hoặc rời bỏ nơi làm việc không an toàn ảnh 4 Nhiều đơn vị nhận cờ thi đua nhờ thành tích xuất sắc trong công tác an toàn vệ sinh lao động

Hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018 trên địa bàn TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu cho rằng, quan trọng nhất là các doanh nghiệp, công nhân cần bắt tay thực hiện với tâm niệm “đây là việc cần thiết cho bản thân doanh nghiệp mình, cho công nhân mình, cho chính mình, chứ không phải để đối phó với sự thanh kiểm tra của cơ quan quản lý”.

Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định: “Đảng, nhà nước luôn đặt lợi ích, sức khỏe, tính mạng người lao động lên trên hết. Chúng ta không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo điều kiện lao động, sức khỏe, tính mạng người lao động”.

Tin cùng chuyên mục