Bộ trưởng có quyền cho thuộc cấp từ chức

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và và Luật Tổ chức chính quyền địa phương vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2020, Bộ trưởng sẽ có quyền cho thuộc cấp từ chức.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: VIẾT CHUNG
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh: VIẾT CHUNG

Số lượng cấp phó bình quân không quá 3 người

Cụ thể, khoản 5 Điều 34 quy định Bộ trưởng có quyền thực hiện việc tuyển dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho từ chức, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và thực hiện phân cấp quản lý công chức, viên chức đối với các tổ chức, đơn vị trực thuộc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự Luật của UBTVQH do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày nêu rõ, việc từ chức của cán bộ, công chức được xác định không phải là một hình thức kỷ luật mà do cá nhân tự nguyện.

Giải trình về ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, do dự thảo Luật lần này có bổ sung quy định về cho từ chức đối với cán bộ, công chức nên để bảo đảm tính thống nhất, đề nghị bổ sung nội dung này trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, UBTVQH phân tích, việc cán bộ, công chức có thể xin từ chức đã được Luật Cán bộ, công chức hiện hành quy định cụ thể tại Điều 30 (đối với cán bộ) và Điều 54 (đối với công chức). Đây không phải là một hình thức kỷ luật mà do cán bộ, công chức tự nguyện xin từ chức.

Do đó, Luật Tổ chức Chính phủ quy định thẩm quyền của Bộ trưởng trong việc cho từ chức đối với cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý là phù hợp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Nội dung khác còn ý kiến khác nhau liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 40 luật Tổ chức Chính phủ về mô hình, tổ chức cơ quan các bộ, ngành.

Theo điều khoản quy định này, các vụ, văn phòng, thanh tra, cục, tổng cục, đơn vị sự nghiệp công lập có người đứng đầu. Số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định cụ thể số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm bình quân không quá 3 người trên một đơn vị.

Chính quyền quận, phường không nhất thiết có đủ HĐND, UBND

Với các nội dung sửa đổi, bổ sung luật Tổ chức chính quyền địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, hướng sửa quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương (thể hiện tại các Điều 44, 58, 72) còn ý kiến khác nhau, ràng buộc bởi Hiến pháp 2013.

Theo ông Nguyễn Khắc Định, tại thời điểm Hiến pháp 2013 được thông qua, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa hoàn thành việc tổng kết toàn diện kết quả triển khai việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện, phường. Vì vậy, để dự liệu trước và tạo độ mở cho việc tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 quy định với 2 điều khoản khác nhau về “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”.

Cụ thể, “chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” còn “cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Tin cùng chuyên mục