Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng: Khẳng định vị thế của văn hóa trong kinh tế và chính trị

Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, chia sẻ với phóng viên Báo SGGP trong những ngày đầu xuân mới, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng (ảnh) khẳng định dù còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, song năm 2022 cũng đặt ra nhiều thời cơ và vận hội mới cho ngành VH-TT-DL.

* PHÓNG VIÊN: Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như Đại hội Văn hóa toàn quốc đã nhấn mạnh quyết tâm chấn hưng văn hóa, để văn hóa thực sự được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, phát huy sức mạnh nội sinh. Là cơ quan trực tiếp tham mưu cũng như quản lý văn hóa, Bộ VH-TT-DL xác định sứ mệnh của mình như thế nào với chiến lược phát triển văn hóa của đất nước?

* Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HÙNG: Năm 2022 là năm mà ngành VH-TT-DL toàn quốc phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao để thực hiện phương châm quyết liệt hành động, cống hiến và lan tỏa được tinh thần mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra là “Khát vọng xây dựng Việt Nam hùng cường”. Toàn ngành chọn chủ đề của năm công tác là năm xây dựng môi trường văn hóa và công tác cán bộ.

Trước mắt cần xây dựng một môi trường văn hóa cụ thể bắt đầu với địa bàn thôn bản, làng xã, dân cư, cơ quan. Khắc phục tình trạng “bệnh” thành tích, đi sâu vào những vấn đề xã hội quan tâm, quy tắc ứng xử, lối sống trong từng gia đình và lượng hóa các nội hàm về gia đình tiến bộ ấm no, hạnh phúc. Song song đó, Bộ VH-TT-DL và các ngành liên quan sẽ tập trung xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân; khẳng định vị thế của văn hóa trong kinh tế và chính trị.

Theo hướng đó, ngành triển khai nhiều công việc cụ thể như tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo, khuyến khích, phát huy tối đa các nguồn tài nguyên văn hóa, năng lực sáng tạo của toàn dân, nhất là sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao nhằm thực hiện nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam. Tôn trọng quy luật riêng của nghệ thuật để có chính sách phù hợp nhằm khích lệ, động viên, hỗ trợ văn nghệ sĩ trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật để tác phẩm được sống mãi với thời gian.

Việc tham mưu, đề xuất xây dựng thể chế được quan tâm theo hướng gắn văn hóa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; là giải pháp căn cốt để hình thành hệ sinh thái có khả năng thúc đẩy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa, tạo sự chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam ra thế giới. Qua đó gia tăng sức mạnh mềm của văn hóa, định vị “thương hiệu quốc gia”, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo dựng môi trường hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.

* Là một trong những trụ cột của Chiến lược Phát triển văn hóa, theo Bộ trưởng, cần phải làm gì để công nghiệp văn hóa tạo ra sự đột phá, góp phần phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa?

* Ở nhiều quốc gia, công nghiệp văn hóa đạt được 2 mục tiêu đồng thời, là vừa quảng bá văn hóa của quốc gia với bạn bè quốc tế, vừa mang lại giá trị kinh tế đích thực. Việt Nam chúng ta có làm được như vậy không? Tôi tin làm được!

Tất nhiên không phải ngày một ngày hai. Việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa những năm tới cần đi vào thực chất, tổ chức thực hiện bài bản, khoa học, đặt mục tiêu và lộ trình cụ thể. Phải tiếp cận đúng nghĩa về công nghiệp văn hóa từ nhận thức đến hành động, xác định rõ nội hàm, thống kê chỉ số đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa trong tỷ trọng GDP… để từ đó xác định những công việc, mục tiêu cụ thể cho chặng đường sắp tới.

Với quan điểm chọn việc, chọn điểm, cần tạo dựng cho được một số sản phẩm công nghiệp văn hóa chủ lực để định danh, phát triển thương hiệu, dần dần có đóng góp vào nền kinh tế quốc dân. Ví dụ như điện ảnh chẳng hạn. Việt Nam có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, có một trường quay mà mẹ thiên nhiên đã tạo ra. Nếu chúng ta biết sử dụng, biết phối hợp với các nhà làm phim quốc tế để có nhiều phim quay ở Việt Nam thì di sản đó sẽ phát huy được nhiều giá trị.

Trong nghệ thuật biểu diễn cũng vậy. Việt Nam có những loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc mà các quốc gia khác không có như xòe Thái, hát Xoan, đờn ca tài tử, rối nước… Chúng ta bồi dưỡng, xây dựng, đưa các môn nghệ thuật này ra biểu diễn ở nước ngoài vừa quảng bá được hình ảnh vừa thu được ngân sách, ngoại tệ...

Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn giúp bạn bè hiểu hơn về vấn đề bản sắc Việt. Từ những ví dụ nhỏ để nghĩ tới xây dựng đề án lớn và theo phương pháp này để xây dựng Chiến lược Phát triển văn hóa đi vào thực chất, phát huy được thế mạnh của từng ngành. Tất nhiên không cầu toàn, làm bằng những gì chúng ta có mà phải tính toán thị trường văn hóa thế giới cần gì ở Việt Nam. Bằng cách tiếp cận này, hy vọng đến cuối nhiệm kỳ, ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% vào GDP như đã đề ra.

* Du lịch đã dần “ấm lên” và là một trong những lĩnh vực được kỳ vọng tạo sức bật để hồi phục và phát triển trong năm 2022. Bộ trưởng có thể chia sẻ kỳ vọng về sự đổi thay của ngành công nghiệp không khói thời gian tới?

* Dịch Covid-19 tác động sâu sắc toàn bộ các ngành kinh tế và xã hội, ngành du lịch có thể nói là bị tác động mạnh nhất. Bộ VH-TT-DL đã đề xuất các chính sách hỗ trợ giúp ngành khôi phục. Chính sách ngắn hạn được áp dụng đã phần nào khích lệ, tạo niềm tin với cộng đồng người làm du lịch.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, ngành du lịch xác định rõ việc duy trì song song 2 trụ cột lớn là du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Bộ hướng dẫn các công ty lữ hành, chính quyền địa phương phải nỗ lực liên kết giải quyết bài toán về điểm đến an toàn, về sản phẩm du lịch, thị hiếu của khách sau đại dịch để có những gói du lịch phù hợp.

Sau một thời gian dài “đóng băng” thị trường quốc tế, chúng ta đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với việc đón khách thí điểm ở 7 địa phương. Số lượng du khách quốc tế giai đoạn này mới đạt dưới 9.000 người, tuy không nhiều nhưng đã chuyển tải thông điệp với bạn bè quốc tế rất rõ ràng về Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn dù đang trong dịch bệnh. Việt Nam tiếp tục giữ được nhiều thương hiệu mà các tổ chức quốc tế bình chọn như Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến hàng đầu ẩm thực…

Đây là yếu tố thuận lợi để quảng bá tour tuyến, vì vậy phải nghiên cứu phối hợp, có lộ trình, phương án, xây dựng kế hoạch khoa học. Tới thời điểm này, Bộ VH-TT-DL đã đề xuất mở cửa du lịch, dự kiến 30-4 mở cửa rộng rãi, toàn diện. Hy vọng với các giải pháp khoa học và đồng bộ, bức tranh du lịch năm 2022 sẽ có nhiều tín hiệu tươi sáng.

Tin cùng chuyên mục