Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật

Từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã phải xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có trường hợp xử lý hình sự. Ngoài ra, hơn 20.300 CBCC bị xử lý kỷ luật, cũng có trường hợp xử lý hình sự, chiếm khoảng 1% CBCC, là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. 
Ngày mai, 5-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà có thêm 30 phút đầu giờ để trả lời các câu hỏi của các ĐB.
ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn cho các địa phương khi tinh giản biên chế
ĐB Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nêu câu hỏi, sau khi giải thể chính quyền cấp xã ở Lý Sơn, chỉ còn tổ chức chính quyền cấp huyện. Từ đó, huyện đang gặp khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân do vướng mắc thẩm quyền. 
ĐB Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng, việc tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đáp ứng được yêu cầu. Nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp của Bộ trưởng là gì?
ĐB Lê Nhật Thành (Hà Nội) nêu, khi thực hiện chính quyền đô thị ở 3 thành phố lớn, Bộ trưởng cho biết hoạt động giám sát của HĐND thành phố đối với các quận, phường như thế nào?
ĐB Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) đề nghị Bộ trưởng cho biết chính sách thu hút sinh viên, nhà khoa học trẻ theo Nghị quyết số 86?
ĐB Vương Thị Hương (Hà Giang) cho rằng việc giảm 10% biên chế khó khăn cho các địa phương, Bộ có giải pháp gì để chia sẻ, hướng dẫn các địa phương thời gian tới?
ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề cập đến việc Bộ báo cáo nhìn nhận tinh giản biên chế mới đạt về số lượng, Bộ trưởng suy nghĩ gì?
ĐB Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) đề cập tình trạng nhân lực khu vực công nghỉ việc nhiều, tỷ lệ cán bộ nữ chưa đạt mục tiêu, Bộ trưởng có giải pháp gì?
Tinh giản biên chế đạt số lượng nhưng chưa gắn với nâng cao chất lượng

Giơ bảng tranh luận, ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt khẳng định tỉnh vẫn thiếu 1.700 giáo viên, đề nghị Bộ trưởng chia sẻ. Việc sắp xếp điểm trường, điểm lớp là chủ trương đúng đắn, nhưng cần chia sẻ với các địa bàn khó khăn, không phải lúc nào cũng làm được, hoặc sắp xếp xong khó khăn hơn nhiều lần. 

ĐB Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) nêu, bất cập trong bố trí cán bộ theo phân loại đơn vị hành chính khiến các địa phương gặp khó khăn và không mặn mà việc sắp xếp đơn vị. ĐB hỏi giải pháp của Bộ là gì? 

ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) thắc mắc, phát sinh tình huống các địa phương vùng đặc biệt sau khi sáp nhập với các địa phương không có chính sách đặc biệt, thì không biết sau đó có tiếp tục được áp dụng chính sách đặc biệt hay không?

ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng trong tham mưu giải quyết vấn đề tinh giản biên chế. Theo ĐB, tinh giản biên chế tuy đạt số lượng nhưng chưa gắn với nâng cao chất lượng? Bộ trưởng có giải pháp gì, thời gian thực hiện giải pháp khắc phục khó khăn cho các phường xã có dân số đông, để phục vụ tốt hơn cho nhân dân? 

Trả lời các ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng nhìn nhận, việc bố trí cán bộ công chức theo phân loại đơn vị hành chính có phần không phù hợp, đơn vị loại 1 là 23 người, loại 2 là 21 người, loại 3 là 19 người, nên có bất hợp lý. Bộ đã tiếp thu vấn đề này, tới đây khi sửa Nghị định 34 sẽ tính thêm yếu tố quy mô dân số, để những đơn vị quá đông dân cư có thể thực hiện tốt nhiệm vụ.

Trong 15 năm, thu hồi 1.021 quyết định sai phạm trong tuyển dụng cán bộ

Tiếp tục trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà trả lời về Đề án 500 trí thức trẻ. Theo Bộ trưởng, năm 2020, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, theo quy định các em sẽ được bố trí công tác. Nhưng do yêu cầu của công tác sắp xếp, đến nay mới bố trí được 114 người. Cuối năm 2021, Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành Nghị quyết 136 để tiếp tục sử dụng lực lượng này, giao địa phương có phương án tuyển dụng, hoàn thành trước 31-12-2025. 

Trả lời ĐB Cao Mạnh Linh ở Thanh Hóa, Bộ trưởng đồng tình rằng thời gian qua đã có nhiều đổi mới trong công tác đào tạo, cắt giảm tối đa các chứng chỉ không cần thiết (giảm 152 chứng chỉ), trước đây là gánh nặng rất lớn cho đội ngũ. Việc này nhận được sự đồng tình rất lớn. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường đào tạo bồi dưỡng, liên kết hợp tác để đào tạo cho các đối tượng đặc thù. Vừa qua đã tổ chức đưa cán bộ lãnh đạo trẻ, lãnh đạo nữ của chính quyền địa phương, nữ Phó trưởng đoàn ĐBQH, nữ Phó Chủ tịch HĐND các địa phương đi đào tạo được 2 lớp, mục tiêu là đào tạo được 300 người. 

Về nội dung ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) hỏi về phân bổ chỉ tiêu tinh giản biên chế, Bộ trưởng cho rằng thời gian đầu phải chấp nhận việc giảm cơ học, chưa thể cầu toàn được, sẽ hoàn thiện thêm từng bước, căn cứ trên cơ sở khoa học, chặt chẽ, ở địa bàn lớn, công việc nhiều. Về sai phạm trong tuyển dụng CBCCVC thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ kiểm tra sai phạm từ 2007 trở lại đây. Kết quả rà soát 88.888 người, thu hồi 1.021 quyết định sai phạm trong tuyển dụng cán bộ. Còn lại là đủ điều kiện để khắc phục sai phạm. Sau cuộc tổng rà soát này để thực hiện nghiêm và không còn sai phạm trong tuyển dụng nữa.

Phú Quốc: Thu ngân sách chiếm 50% toàn tỉnh, nhưng nhân sự của  chỉ bằng một huyện

ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề cập đến Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện do Bộ tham mưu Chính phủ triển khai giai đoạn 2013-2020 đã thành công, nhưng đến nay chưa sắp xếp cho các nhân lực này, giải pháp gì để không lãng phí?

ĐB Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương), việc phân bổ chỉ tiêu tinh giản biên chế có bất cập, như Phú Quốc chiếm 50% thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang, nhưng nhân sự chỉ bằng một huyện của tỉnh. Bộ có giải pháp giải quyết tình trạng sai phạm trong tuyển dụng công chức là gì?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 1 ĐB Nguyễn Ngọc Sơn chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: QUANG PHÚC

Khẩn trương tăng lương cho giáo viên mầm non, tiểu học 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 2 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu. Ảnh: QUANG PHÚC

Được mời giải trình bổ sung về định mức biên chế ngành giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận, thiếu giáo viên là vấn đề nóng được người dân quan tâm, được đề cập nhiều trong các phiên thảo luận của Quốc hội. Bộ đề xuất 107.000 chỉ tiêu, được chấp thuận bố trí cho ngành 65.000 chỉ tiêu.

Con số 107.000 chỉ tiêu, ngành đang tính theo thực tế, các vùng miền núi, huyện đảo Trường Sa có những lớp học chưa đạt sĩ số nhưng vẫn có điểm trường. Sự chênh lệch nông thôn, miền núi với đô thị cũng đang rất cao. Một trong những khâu cần giải quyết là rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông. Bộ đã thực hiện hai năm qua và thu được kết quả khả quan. Mỗi tỉnh, địa phương, việc rà soát sắp xếp còn có kết quả khác nhau. Năm 2021 đã sơ kết việc này, thấy một số địa phương còn thực hiện một cách cơ giới. 

Về nội dung ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phản ánh, tỉnh thiếu 1.700 giáo viên, nhưng Bộ GD-ĐT rà soát số liệu đầy đủ thấy rằng chỉ tiêu cũ của tỉnh chưa tuyển là hơn 2.000. Do vậy, các địa phương cần vừa khẩn trương tuyển số cũ vừa tuyển theo chỉ tiêu mới. 

Nhiều địa phương không dám đặt hàng (theo Nghị định 116 của Chính phủ), Bộ đang rà soát lại. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, để ngăn giảm giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, có nhiều giải pháp được tính đến. Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các quy định, trong đó tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho giáo viên mầm non, tiểu học sẽ được tiến hành khẩn trương, với tinh thần “có thực mới vực được đạo”. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng rằng xã hội, phụ huynh có sự chia sẻ, đồng hành với nhà giáo.


Xin không nêu tên các Bộ chậm xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập
Tranh luận tại nghị trường, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho biết, theo quy định các bộ, ngành phải có quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, chỉ 3/15 bộ, ngành trình Thủ tướng quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công lập. ĐB đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể các bộ, ngành chậm ban hành.
Trả lời, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đến nỗ lực thời gian qua, giảm được hơn 7.400 đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh tự chủ. Quy định cần xây dựng quy hoạch mạng lưới và xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo được mục tiêu tự chủ. Đến nay còn một số bộ vẫn còn chậm, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, báo cáo Thủ tướng. Bộ trưởng nhận trách nhiệm của Bộ Nội vụ khi chưa thường xuyên đôn đốc, báo cáo để các Bộ xây dựng quy hoạch mạng lưới này. Tuy nhiên, Bộ trưởng xin phép không nêu tên các Bộ chậm trễ xây dựng quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập. 
Điều hành phiên chất vấn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi danh sách các bộ chậm trễ cho đại biểu bằng văn bản.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 3 ĐB Phạm Văn Hòa chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: QUANG PHÚC
Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật
Trả lời ĐB Phạm Văn Hòa về nội dung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn vừa qua. Bộ trưởng cho biết hiện đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện, giảm 561 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với đó, giảm 429 cơ quan cấp huyện, 706 cán bộ công chức cấp huyện; 9.705 cán bộ công chức cấp xã, giảm chi ngân sách trên 2.000 tỷ đồng. Bộ trưởng khẳng định kết quả đạt được là rất lớn, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề như cán bộ dôi dư, trụ sở một số nơi vẫn để lãng phí. Nhưng theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cán bộ dôi dư đến hết 2025 sẽ phải sắp xếp xong. Cấp huyện còn 48%, xã 31%. 
Bộ trưởng nhận định, các địa phương đã cố gắng sắp xếp cán bộ dôi dư, nhưng đến nay dù sao cũng chưa hết thời hạn sắp xếp. Cùng với việc sắp xếp này, Bộ đang rà lại các chính sách có liên quan để xây dựng bộ chính sách tốt hơn để giải quyết sắp xếp cán bộ công chức dôi dư khi sắp xếp bộ máy. 
Về tài sản lãng phí, Bộ Tài chính đã có thông tư để xử lý tài sản này, đề nghị các địa phương cố gắng thực hiện theo đúng tinh thần thông tư, giải quyết gọn không để lãng phí. 
Về kỷ luật CBCCVC thời gian qua đã tạo dư luận xấu, ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, theo Bộ trưởng, từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 đã phải xử lý kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, có trường hợp xử lý hình sự. Ngoài ra, hơn 20.300 CBCC bị xử lý kỷ luật, cũng có trường hợp xử lý hình sự, chiếm khoảng 1% CBCC, là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. 
Từ thực trạng này, để vừa thực hiện rất nghiêm theo tinh thần chỉnh đốn Đảng, thực hiện nghiêm công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện nghiêm công vụ, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ tham mưu ban hành nghị định về đạo đức công vụ để siết chặt hơn nữa đạo đức công vụ, đảm bảo đồng bộ để phục vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, phục vụ nhân dân.
Thu hút được 3.000 sinh viên giỏi, nhà khoa học trẻ vào khu vực công

Trả lời ĐB Trần Thị Hiền về giải pháp giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị, Bộ trưởng cho rằng trước hết cần thực hiện thật tốt cải cách bộ máy, sắp xếp lại bộ máy, đơn vị hành chính bên trong từ cấp tỉnh đến trung ương. 

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, Trung ương đã làm rất quyết liệt, sắp xếp các đơn vị bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, đồng thời giảm đầu mối các đơn vị sự nghiệp. Hiện còn khoảng 753 đầu mối đơn vị sự nghiệp của các bộ. Tinh thần là đơn vị phục vụ chức năng quản lý nhà nước thì giữ, còn lại sẽ rà soát, phân cấp cho phù hợp. Việc quan trọng nữa là phải sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Việc này đã thực hiện tốt, sắp tới sẽ tiếp tục làm. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, để giảm được biên chế, không còn cách nào khác là sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức. Tiếp đến là hoàn thiện vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp. Việc này phải cố gắng làm nhanh để xác định biên chế cho rõ ràng hơn. Ngoài ra, phải đẩy mạnh ứng dụng CNTT, để số cán bộ không nhiều nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu đặt ra. 

Trả lời ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) về lương nhân viên như văn thư chỉ hơn 3 triệu đồng, thấp hơn lương tối thiểu vùng, Bộ trưởng khẳng định thực tế đúng như ĐB phản ánh. Nếu điều kiện đất nước trong 2023 và những năm tiếp theo tốt thì sẽ tiến hành cải cách tiền lương, khi đó lương sẽ cao hơn lương tối thiểu vùng, sẽ đảm bảo công bằng, hài hòa và hợp lý.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 4 ĐB Lê Thanh Vân chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: QUANG PHÚC

Về nội dung trọng dụng nhân tài, gắn với bảo vệ người vì lợi ích chung theo ý kiến của ĐB Lê Thanh Vân, Bộ trưởng nhấn mạnh đây cũng là vấn đề Bộ rất quan tâm. Theo Bộ trưởng, trọng dụng nhân tài là truyền thống, là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta. Nhiều nước đã có bước phát triển thần kỳ nhờ thu hút và trọng dụng nhân tài. Hiện có Kết luận 86 của Bộ Chính trị, để cụ thể hóa, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định, thời gian thực hiện chưa nhiều (từ năm 2018 đến nay) mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Nhưng các địa phương đều rất quan tâm đến vấn đề này và đã xây dựng hệ thống chính sách phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài. Các địa phương đã thu hút được gần 3.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ về làm việc trong khu vực công. Nhưng thực tiễn là vẫn quá ít ỏi. Bộ đang xây dựng đề án chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài, có chính sách hấp dẫn hơn, hiện đang lấy ý kiến các bộ ngành, để năm tới có được nghị định. 

Cùng với thu hút nhân tài, là việc bảo vệ người sáng tạo theo Kết luận 14. Hệ thống vẫn chưa có đủ thể chế để cán bộ làm. Đang xây dựng nghị định về khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung.

Sắp xếp cán bộ dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc

Tranh luận với Bộ trưởng, ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) nói về chính sách với chị em nữ là cán bộ không chuyên trách ở cấp xã chưa được hưởng chính sách BHXH bắt buộc và các chính sách liên quan. Bộ trưởng tiếp thu vấn đề này, thảo luận với Bộ LĐTB-XH để trả lời ĐB.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) hỏi về giải pháp để đạt được mục tiêu tinh giản biên chế theo Kết luận 40 của Bộ Chính trị?

ĐB Đỗ Huy Khánh (Đồng Nai) cho rằng tình trạng thiếu giáo viên rất lớn. Hiện có nghịch lý là Chính phủ đã xây dựng lương tối thiểu theo vùng là hơn 3,2 triệu đồng nhưng viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp (như văn thư, lưu trữ…) lương còn chưa được 3 triệu đồng. ĐB hỏi Bộ trưởng phải có giải pháp gì để cải thiện tiền lương nhằm giữ chân lực lượng này?

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng thưởng - phạt nghiêm minh là thuật dùng người. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo vì lợi ích chung. Bộ đã tham mưu gì để thể chế hóa kết luận này thành pháp luật? 

ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) hỏi, cán bộ công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số đóng vai trò rất quan trọng. Giải pháp gì để nâng chất đội ngũ này? 

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) băn khoăn, trong thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính huyện, xã đã thực hiện tốt, nhưng việc sắp xếp cán bộ dôi dư, tài sản, trụ sở còn nhiều vướng mắc, chưa thực hiện xong. Vậy giải pháp là gì, nhất là khi giai đoạn 2 sắp xếp còn nhiều khó khăn hơn? Ngoài ra, thời gian qua, CBCC bị xử lý nhiều, Bộ trưởng nhận xét việc này ra sao và giải pháp là gì?

Một địa bàn tồn tại hai chế độ công vụ khác nhau

ĐB Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu, hiện nhiều cơ quan chưa được giao biên chế sự nghiệp nên gặp nhiều vướng mắc, nhất là những cơ quan thực hiện xử phạt như thanh tra giao thông… Phương án giải quyết như thế nào?

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) trăn trở, khi thực hiện chính quyền đô thị tại 3 thành phố, công chức phường được xác định như công chức từ quận trở lên, nhưng công chức khối Đảng, đoàn thể vẫn thực hiện theo Nghị định 34. Việc này đã tác động đến tâm tư tình cảm của đội ngũ công chức phường. Giải pháp của Bộ là gì?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 5 ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nêu chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu thực trạng việc giao biên chế công chức sự nghiệp đã khiến các địa phương không thể bố trí giáo viên… Nhiều điểm trường, lớp ở vùng sâu xa thiếu giáo viên. Năm học này, Đắk Lắk thiếu 1.700 giáo viên.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 6 ĐB Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) nêu chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Lê Hoàng Hải, Bộ trưởng nhìn nhận đúng là có tình trạng nhiều cơ quan quản lý nhà nước lại có biên chế viên chức, đây là một tồn tại. Hiện có khoảng 7.700 các biên chế viên chức nhưng lại đang thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Cấp Trung ương khoảng hơn 2.000 người, còn lại ở địa phương, rơi vào các ngành nông nghiệp (kiểm lâm, kiểm ngư). Bộ sẽ tham mưu sớm, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về quản lý biên chế.
ĐB Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) nêu chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Về thực hiện chính quyền đô thị ở 3 thành phố lớn, Bộ trưởng nhìn nhận thực trạng đúng như ĐB phản ánh. Ngay tại một địa bàn cấp phường lại đang tồn tại hai chế độ công vụ khác nhau, nên ảnh hưởng đến tâm tư của đội ngũ chưa được chuyển đổi lên cấp quận. Tới đây Bộ sẽ rà soát, báo cáo trước thời hạn với Thủ tướng để điều chuyển số biên chế của khối phường để đảm bảo công bằng hợp lý.

Về việc giao biên chế sự nghiệp không đảm bảo định mức giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ cũng không có thẩm quyền giao biên chế viên chức. Hiện theo định mức của Bộ GD-ĐT đưa ra, tới đây cần chuyển đổi cho phù hợp. Năm học 2021-2022, Bộ xác định số lượng viên chức ngành giáo dục còn thiếu hơn 65.800 người. Bộ báo cáo để giao biên chế giáo dục cho giai đoạn 2022-2026 phải căn cứ trên cơ sở định mức, thay vì căn cứ theo từng điểm trường. Nhiều tỉnh thành miền núi phía Bắc đã giảm được 700 điểm trường, đưa con em các điểm trường nhỏ lẻ về trung tâm học nội trú, giảm được tới hơn 1.000 biên chế, nâng cao chất lượng giáo dục.

Sẽ điều chỉnh mức khoán cao hơn cho cán bộ không chuyên trách 

Về xác định vị trí việc làm, Bộ trưởng cho biết, suốt từ 2012, từ khi có Luật Cán bộ công chức và sau này là Luật Viên chức đã nêu rõ việc xác định vị trí việc làm. Vì chế độ công chức đang vận hành từ chế độ theo chức nghiệp sang vị trí việc làm, năng động, linh hoạt hơn, phù hợp xu thế chung của thế giới.

Từ 2012-2019 đã xác định vị trí việc làm nhưng chưa được chuẩn bị đầy đủ, căn cơ. Từ khi có Nghị quyết 18 mới tập trung xác định vị trí việc làm, Bộ đã tham mưu ban hành 2 nghị định. Nhưng quá trình thực hiện, đến nay đã xác định được khung chung, vị trí việc làm trong cơ quan hành chính có 866 vị trí, đơn vị sự nghiệp 615 vị trí, cấp xã có 17 vị trí. Ngành xin nhận khuyết điểm khi việc này triển khai chậm, tới đây Bộ sẽ cùng các cơ quan hoàn thiện các vấn đề liên quan vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để có thể quản lý theo vị trí việc làm.

Trả lời ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An), Bộ trưởng cho biết, mỗi năm có hơn 100 kiến nghị cử tri, nhóm vấn đề lớn nhất là liên quan đến cán bộ không chuyên trách cấp xã. Hiện có hai chế độ công vụ, một là từ cấp huyện trở lên, hai là cấp xã. Ở cấp xã chưa có sự thay đổi lớn so với cấp huyện trở lên. Với công chức cấp huyện được phân theo ngạch, còn cấp xã không tính theo ngạch mà theo trình độ đào tạo. Với đội ngũ không chuyên trách, thời gian qua khi thực hiện Nghị quyết 18 có cơ cấu lại gọn hơn, như phân loại hành chính khu vực 1 có 23 người, loại 2 có 21 người, loại 3 có 19 người, giảm 2 người so với Nghị định 92 khi chưa sửa đổi. Số cán bộ không chuyên trách xã, thôn cũng giảm, tổng cộng giảm gần 50%. Việc này đúng tinh thần tinh gọn, có điều kiện để sau này thực hiện một chế độ công vụ chung. Từ đó dẫn đến việc đang khoán kinh phí cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã, thôn. Ở xã chỉ có 8-9 chức danh không chuyên trách, còn ở thôn, tổ dân phố chỉ có 3 chức danh. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 8 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn chiều 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Thực chất, tới nay Bộ đã thấy có bất cập. Thời gian qua đã cho nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện về Nghị định 34. Có nhiều nơi đơn vị hành chính cấp xã lớn như ở TPHCM có nơi trên 130.000 dân, nhưng cũng có nơi cấp  xã chỉ 400 dân, nên rất bất cập với những vùng đô thị, dân số lớn mà cứ ấn định con số thì cũng không hợp lý. Do đó phải sửa Nghị định 34. Bộ đã gửi lấy ý kiến lần 1 với các tỉnh, thành. Sau kỳ họp này, Bộ sẽ báo cáo để Chính phủ xem xét giải pháp phù hợp hơn. Đồng thời cũng sẽ điều chỉnh mức khoán cao hơn cho cán bộ không chuyên trách, số người cố gắng giữ như vậy. Nghị định 34 sẽ để các địa phương căn cứ vào ngân sách địa phương để đảm bảo bố trí số người làm việc. 

Đây cũng là vấn đề nóng, Bộ nhận được rất nhiều phản ánh, chúng tôi sẽ làm nhanh nhất có thể.

Khi nào có nghị định mới thay thế Nghị định 34?

ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) băn khoăn, việc sáp nhập xã, thôn thời gian qua đã làm giảm lượng thôn - xóm, nhưng việc tăng dân số, diện tích trong khi bộ máy vẫn vậy đã gây áp lực cho đội ngũ cán bộ. ĐB hỏi khi nào Bộ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34 để tăng phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 9  ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đề cập, việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn, nhưng thực hiện trong thời gian rất ngắn chưa lường hết tác động, nhiều nơi chưa đồng thuận, phát sinh nhiều khó khăn bất cập. Như vậy có vội vàng, chủ quan hay không?
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 10 ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cũng có ý kiến về Nghị định 34 và hỏi chừng nào thì có nghị định mới thay thế?

Tiết kiệm được hơn 25.600 tỷ đồng từ tinh giản biên chế để đưa vào quỹ lương

Trả lời các ĐB, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, thời gian qua công tác đánh giá cán bộ rất được Đảng, Nhà nước quan tâm, và đã chuyển biến tích cực hơn. Năm 2021, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 22%, trước đó thì khoảng 30%. Không hoàn thành nhiệm vụ 2021 là 1,72%, những năm trước chỉ 0,56% - 0,64%. Đó là sự chuyển biến tích cực hơn. Nhưng nhìn tổng thể việc đánh giá cán bộ vẫn chưa sát thực tiễn, chưa căn cứ sản phẩm kết quả đầu ra, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nên vẫn còn nội dung như ĐB nêu.
Thời gian tới, Bộ sẽ phải tập trung hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật về đánh giá cán bộ xuyên suốt, đa chiều, tiêu chí dựa vào sản phẩm cụ thể. Đồng thời hoàn thành xác định vị trí việc làm, khung năng lực để làm cơ sở đánh giá theo vị trí việc làm. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cũng phải căn cứ quy định chung để cụ thể hóa cho cơ quan, đơn vị mình để đánh giá công khai, công bằng, chính xác, tạo động lực cho CBCC hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bối cảnh hiện nay cũng không thể không ứng dụng CNTT để đánh giá cán bộ. 
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 11 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn chiều 4-11. Ảnh: QUANG PHÚC
Trả lời ĐB Nguyễn Thị Hằng Nga về đội ngũ công chức tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thời gian qua đã rất quan tâm đào tạo trong lĩnh vực pháp luật, nhưng thực tế nhân lực vào khu vực công không nhiều. Do đó, Bộ tiếp thu ý kiến ĐB, cùng Bộ Tư pháp có đề án căn cơ, đáp ứng được yêu cầu phát triển. 
Về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, thời gian qua sắp xếp bộ máy, giảm một loạt đơn vị sự nghiệp, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách, mục tiêu là cải cách đội ngũ, bộ máy. Chính vì vậy, công tác này đã tác động rất lớn, nâng lương cho đội ngũ. Từ 2019 đến nay, đã tiết kiệm được trên 25.600 tỷ đồng, đưa vào quỹ lương. Nên đã tác động rõ đến chính sách cải cách tiền lương. Tới đây tiếp tục làm việc này để có đội ngũ gọn hơn, các đơn vị hành chính sự nghiệp tinh gọn hơn, có thêm nguồn lực cải thiện đời sống người lao động trong khu vực công.
Về giảm 10% biên chế là sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, từ đó đã góp phần rất quan trọng trong tinh gọn đội ngũ, giảm được số người hưởng lương từ ngân sách. Nhưng giai đoạn vừa qua đúng là có cào bằng, vẫn giảm theo hướng cơ học. Bởi trong số giảm thì tinh giản có 22%, còn lại là nghỉ hưu, hoặc biên chế giao nhưng đơn vị không tuyển nữa. Nên quá trình cơ cấu lại, ban đầu phải làm theo cơ học như vậy. Rất nhiều năm trước không làm nổi 10%, nay có thể làm 10,01%. Có cào bằng, cơ học nhưng cũng là cơ sở để tiếp tục trong thời gian tiếp theo.
Có 107 đại biểu đăng ký chất vấn 
Mở đầu, ĐB Hà Sỹ Huân (Bắc Kạn) nêu, việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) luôn là khâu quan trọng, nhưng thực tế chưa thực chất, có nể nang né tránh, dĩ hòa vi quý. Những giải pháp Bộ đã và sẽ triển khai để đánh giá cán bộ thực chất hơn?
ĐB Nguyễn Thị Hằng Nga (Trà Vinh) hỏi về giải pháp của Bộ trưởng trong nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 12 ĐB Tao Văn Giót (Lai Châu) nêu câu hỏi. Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Tao Văn Giót (Lai Châu) đặt vấn đề, việc tinh giản biên chế đã tác động thế nào đến cải cách tiền lương? Việc tinh giản biên chế 10% vừa qua rất đáng ghi nhận, nhưng báo cáo của Bộ nêu ra việc tinh giản còn cào bằng, cục bộ. Vậy đâu là giải pháp?
Danh sách ĐB đăng ký chất vấn chiều 4-11
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 13
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 14
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 15
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 16
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Hơn 20.300 cán bộ - công chức bị xử lý kỷ luật ảnh 17

Theo chương trình làm việc, chiều nay các ĐB sẽ chất vấn về lĩnh vực nội vụ. Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, GD-ĐT, Y tế, LĐTB-XH cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Nội dung chất vấn sẽ tập trung vào một số nội dung, như việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức. Việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Bên cạnh đó là giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm.

Một nội dung khác được tập trung chấn vấn là nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…). Việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy - học.

Cùng với đó là giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.

Tin cùng chuyên mục