“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội”

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM): “Giáo dục phải được đặc biệt quan tâm hơn để bảo đảm giáo dục những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội”.
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận chiều 25-3. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn ĐBQH TPHCM thảo luận chiều 25-3. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều 25-3, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.

Tại Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM, các ý kiến đều tán thành cao với Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước. Các ý kiến thảo luận tập trung vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội và Chính phủ.

Đối với báo cáo của Quốc hội, đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân đánh giá cao hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ qua, trong đó có việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của quốc gia.

Tuy nhiên, ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần đánh giá lại công tác làm luật. Cần bảo đảm chất lượng xây dựng luật pháp được câng cao hơn, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp thực tiễn, dễ hiểu, tránh chồng chéo. Chỉ như thế thì mới tạo yên tâm cho người dân, doanh nghiệp đầu tư làm ăn. ĐB cũng cho rằng, cần nâng cao chất lượng báo cáo giám sát của Quốc hội.

“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội” ảnh 1 ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

Về báo cáo của Chính phủ, ĐB Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh, nhiệm kỳ này, Chính phủ rất năng động, lãnh đạo Chính phủ “lên rừng xuống biển”, nhưng thành tựu là sự kế thừa, kết tinh của nhiều nhiệm kỳ trước cộng lại, ví dụ như kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, Chính phủ đã điều hành linh hoạt, năng động, giúp cho nền kinh tế có dư địa để vượt qua cú sốc đại dịch Covid-19, trở thành điểm sáng của khu vực, thế giới.

Tuy nhiên, ĐB cũng cho rằng, có một số vấn đề cần chú ý làm tốt hơn như đầu cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp cao; quan tâm đến khu vực ĐBSCL; cổ phần hóa DNNN còn chậm; kinh tế tư nhân cần được kích thích phát triển mạnh hơn để nền kinh tế có nhiều hơn những “đại bàng”. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết vùng cần được làm hiệu quả hơn; đổi mới giáo dục hiệu quả hơn.

“Giáo dục phải được đặc biệt quan tâm hơn để bảo đảm giáo dục những thế hệ học sinh phát triển toàn diện, có đạo đức tốt, đáp ứng nhu cầu phát triển của quốc gia trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội”, ĐB Trần Hoàng Ngân nói.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, cử tri, trong đó có cử tri huyện Bình Chánh (TPHCM) quan tâm rất nhiều đến vấn đề quy hoạch. Hiện nay, nhiều quy hoạch chậm triển khai, nhiều dự án treo… ảnh hưởng đến người dân.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) cũng quan tâm đến vấn đề làm luật khi cho rằng, nếu giao cho Chính phủ soạn thảo luật sẽ khó bảo đảm tính khách quan. Chất lượng làm luật cũng chưa bảo đảm, có những dự thảo luật từ dự thảo lần 1 đến lần cuối không có thay đổi bao nhiêu. Nếu không thay đổi thì các nhiệm kỳ tới cũng chỉ dừng như vậy. Những dự án luật “khó” thì chúng ta bỏ qua, điều đó là “mắc nợ” dân.

Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân thì chúng ta cũng đang chỉ dừng ở mức độ chuyển đơn, chưa có chế tài để xử lý việc không giải quyết khiếu nại, tố cáo của cử tri, nhân dân ở các cấp ngành. Thực tế hiện nay, dân vẫn nghĩ rằng, chỉ có gửi đơn khiếu nại lên cấp cao nhất mới được chú ý.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, không nên thực hiện việc cắt giảm biên chế một cách cơ học, duy ý chí. Nguyên tắc là phải bảo đảm con người để làm việc, không cắt giảm cào bằng, vì có những địa phương, lĩnh vực cần nhiều biên chế.

“Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải được chất vấn nhiều hơn trước Quốc hội” ảnh 2  ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

Về vấn đề giáo dục, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng báo cáo về giáo dục quá lạc quan, nếu tốt như vậy thì chúng ta đâu cần đổi mới căn bản, toàn diện. Trong khi giáo dục còn tồn tại quá nhiều vấn đề khiến cử tri bức xúc. Những tiêu cực của ngành giáo dục phải được chỉ rõ ra, có người chịu trách nhiệm.

“Giáo dục, y tế là những vấn đề thiết thân với cuộc sống con người, được xã hội rất quan tâm, nên báo cáo Chính phủ phải đề cập sâu sắc. Bởi đó là 2 nghề được xã hội tôn vinh là nghề cao quý”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói.

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan, lương của giáo viên, bác sĩ mới ra trường hiện nay quá thấp, không tương xứng với các nghề khác. Nghề cao quý, được xã hội tôn vinh nhưng lương không đủ sống thì họ không thể yên tâm cống hiến. “Khi lương giáo viên thấp thì làm sao tránh khỏi dạy thêm, học thêm”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nêu.

Cho rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 với đời sống người dân sẽ tiếp tục trầm trọng, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá toàn diện vấn đề này. Cho rằng tỷ lệ người Việt Nam mắc Covid-19 thấp một phần do cơ địa người Việt Nam, một phần do chúng ta xét nghiệm còn ít, trong khi đó hiện nay, tâm lý người dân đã chủ quan, nhiều nơi không đeo khẩu trang.

“Chúng ta phải luôn tuyên truyền, chuẩn bị cho người dân về những khó khăn còn tiếp diễn, để người dân có ý thức "thắt lưng buộc bụng" cũng như ý thức phòng dịch. Đặc biệt, cũng không nên quá ca tụng thành tích phòng chống Covid-19”, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn nói.

Tin cùng chuyên mục