Bộ TN-MT đã xem xét tỉ mỉ khi cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 chất thải

Ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, Bộ TN-MT và các đơn vị liên quan đã xem xét một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, trách nhiệm nên việc nhận chìm sẽ ít ảnh hưởng đến Khu bảo tồn biển Hòn Cau và môi trường biển.

Ngày 13-7, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) đã tham dự buổi làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa X để cung cấp thông tin đến các đại biểu HĐND, cử tri tỉnh Bình Thuận về vụ việc Bộ TN-MT cấp phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm gần 1 triệu m3 vật, chất xuống biển.

Ông Phạm Ngọc Sơn thông tin, sau khi Bộ TN-MT nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép với sự tham gia của 22 thành viên.

Qua xem xét, hồ sơ xin cấp phép nhận chìm đã phù hợp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và quy định của luật pháp Việt Nam.

Do vậy, ngày 23-6, Bộ TN-MT đã cấp giấy phép cho Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm ra biển gần 1 triệu m3 vật liệu nạo vét thu được từ việc thi công vũng quay tàu, khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ của nhà máy.

Vật, chất được phép nhận chìm thuộc danh mục được nhận chìm ở biển gồm: 20% là bùn, 80% là cát, sỏi, vỏ sò,… Khu vực nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Khu bảo tồn biển Hòn Cau (huyện Tuy Phong) 8km.

Phương tiện nhận chìm là các sà lan phễu chuyên dùng, nhận chìm theo hình thức mở đáy sà lan và sử dụng lưới chắn bùn nhằm giảm thiểu phát tán vật, chất nhận chìm.

Việc nhận chìm cho phép tiến hành từng bước, dưới sự kiểm tra, quan trắc môi trường biển một cách chặt chẽ của các đơn vị liên quan.

“Chúng tôi đã xem xét một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng, trách nhiệm nên việc nhận chìm ảnh hưởng đến môi trường biển nói chung, Khu bảo tồn biển Hòn Cau nói riêng là không đáng kể”, ông Phạm Ngọc Sơn, khẳng định.

Ông Phạm Ngọc Sơn cho rằng, khi nhận chìm Khu bảo tồn biển Hòn Cau bị ảnh hưởng không đáng kể .

Tuy nhiên, tại buổi làm việc, một số đại biểu HĐND tỉnh Bình Thuận vẫn tỏ ra lo ngại về việc cho phép được nhận chìm.

Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện cho rằng: “Việc đào chỗ này, lấp chỗ kia có tác hại gì không? Vật, chất đậm đặc (cát, sỏi, bùn..) khi bỏ vào chất lỏng (nước biển) chắc chắn sẽ hòa tan. Vậy liệu rằng ta đổ mùa này, sang mùa sau vật, chất có phát tán ra môi trường biển không? Việc nhận chìm lần đầu tiên chúng ta làm, khi xảy ra sự cố phải làm như thế nào?”

Trả lời những thắc mắc này, ông Phạm Ngọc Sơn cho biết, trước và sau quá trình nhận chìm sẽ được quan trắc môi trường thường xuyên. Khi nhận chìm các đơn vị liên quan sẽ giám sát, không để phía chủ dự án đổ vật, chất một chỗ mà phải đổ dàn trải đều trên diện tích 30ha. Trong quá trình nhận chìm nếu có bất kỳ sự cố về môi trường nào thì phía chủ dự án phải dừng hoạt động ngay lập tức. 

Tin cùng chuyên mục