Bỏ thói quen uống rượu bia

Chỉ còn 13 ngày nữa Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành. Theo đó, bắt đầu áp dụng chế tài nghiêm đối với việc lái xe sau khi đã uống rượu bia; cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc, nghỉ giữa giờ; cấm rủ rê, ép buộc người khác uống rượu bia. Bạn đọc đã nêu ý kiến góp ý về việc mọi người nên bỏ thói quen uống rượu bia.

Cùng ý thức phòng chống tác hại của rượu bia

Ở nước ta lâu nay, nhiều người vẫn xem việc mời rượu bia là hình thức hết sức bình thường. Cứ có dịp gặp mặt, liên hoan, chung vui, chia buồn đều có rượu bia. Thế nhưng, đằng sau việc lạm dụng rượu bia là nhiều hệ lụy: tốn kém thời giờ, tiền bạc; hại sức khỏe; không kiểm soát được bản thân nên dễ xảy ra tranh cãi, hành hung, điều khiển xe trong tình trạng say xỉn gây ra tai nạn giao thông.

Điều rất đáng lo là dù CSGT đã kiểm tra, xử phạt những người lái xe khi đã uống rượu bia, nhưng vẫn chưa đủ răn đe. Tình trạng lạm dụng rượu bia vẫn phổ biến là do thói quen uống rượu bia đã tồn tại từ lâu; việc nhắc nhở, giáo dục, tuyên truyền để phòng chống tác hại của rượu bia còn kém hiệu quả; cán bộ, đảng viên chưa thể hiện tốt vai trò nêu gương thực hiện việc không lái xe khi đã uống rượu bia; công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm chưa thường xuyên.

Từ đầu năm 2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, nếu đi xe máy, ô tô đến quán, nhà hàng dự tiệc có uống rượu bia, thì khi ra về nên gửi xe lại và gọi taxi, xe ôm để về an toàn. Khi tham gia giao thông, hãy nhớ rằng không điều khiển xe khi đã uống rượu bia, dù ít hay nhiều.

Đã đến lúc phải xem việc lạm dụng rượu bia là một vấn nạn, mọi người nên nhắc nhau bỏ thói quen uống rượu bia. Cần siết chặt việc quản lý tiêu thụ rượu bia; áp dụng chế tài pháp luật mạnh mẽ để trừng trị và ngăn ngừa những kẻ lạm dụng rượu bia trở thành tội phạm.

Ông NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Giám đốc DN Vận tải Mỹ Ngọc

Giáo dục thanh niên nói không với rượu bia

Hiện nay, có nhiều bạn trẻ thường xuyên uống rượu bia, xem việc nhậu nhẹt là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Nhất là sinh viên các tỉnh về học ở thành phố, thiếu sự quan tâm giám sát của gia đình và nhà trường, nên thường tụ tập tại các hàng quán, phòng trọ để tổ chức nhậu nhẹt, ăn chơi thâu đêm, dẫn đến sao nhãng việc học và lâm vào cảnh nợ nần.

Bỏ thói quen uống rượu bia ảnh 1 Tại nhiều khu dân cư vẫn có cảnh tụ tập nhậu nhẹt ngoài đường phố. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Trong những dịp tiệc tùng, nhiều phụ huynh cũng vô tư mời, thậm chí ép con cháu uống rượu bia, xem đó là chuyện tất yếu trong giao tiếp. Nhiều bạn trẻ không ý thức tự giác nói không với rượu bia, nên không từ chối, rồi cũng dần sa đà vào thói quen uống rượu bia. Không ít bạn trẻ còn xem việc uống rượu bia là cách để thể hiện đẳng cấp, thắt chặt tình bạn bè.

Một khi đã tham gia cuộc vui mà không uống rượu bia hoặc uống ít thì bị bạn bè khích bác, chê bai, dẫn đến việc nhiều bạn uống đến mức say xỉn, sau đó dù không tỉnh táo vẫn gắng chạy xe về nhà, gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông. 

Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có quy định cấm hành vi rủ rê, ép buộc người khác uống rượu bia. Như vậy, các phụ huynh nên quan tâm nêu gương và khuyên răn con cháu không uống rượu bia; nhà trường cũng giáo dục, tuyên truyền, nhắc nhở về các tác hại của rượu bia. Toàn xã hội nên tạo ra nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích, để thu hút giới trẻ tham gia, qua đó tránh xa việc sa đà nhậu nhẹt và các tệ nạn xã hội khác.

TRẦN THU PHƯƠNG, huyện Nhà Bè, TPHCM

Đưa luật vào cuộc sống

Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định cấm uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập. Quy định đó cần phải được thực thi nghiêm túc.

Lâu nay, việc nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc đã được quy định rõ trong các nội quy lao động, nội quy cơ quan, kèm theo các chế tài xử lý kỷ luật, nhưng vẫn có nhiều người vi phạm do lãnh đạo, cán bộ, đảng viên không nêu gương, “vô tư” đi nhậu trong giờ làm việc, giờ nghỉ giữa ca.

Nay đã thành luật thì phải nghiêm túc thực hiện và quán triệt đến nơi đến chốn, không dung túng cho các trường hợp vi phạm. Lãnh đạo cơ quan, thủ trưởng đơn vị, cán bộ, đảng viên phải nêu gương; không được nể nang, ngại đụng chạm, hoặc xử lý chiếu lệ, xuề xòa đối với các trường hợp vi phạm. 

Ngay từ bây giờ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nên ban hành ngay thông báo với nội dung cấm các hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, có hình thức chế tài xử lý kỷ luật nghiêm khắc, công khai và mạnh tay hơn đối các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có hành vi uống rượu bia trong giờ làm việc. Để Luật Phòng chống tác hại của rượu bia nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước hết, mỗi cơ quan, ban ngành, địa phương cần củng cố kỷ cương, nền nếp, gương mẫu chấp hành. 

NGUYỄN ĐỨC NGUYÊN, quận 5, TPHCM

Tin cùng chuyên mục