Bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình

Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù. Quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình cũng được đề nghị bổ sung cho phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của công an cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QUANG PHÚC
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: QUANG PHÚC

Tán thành sự cần thiết và phạm vi sửa đổi dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây viết tắt là dự án Luật), Ủy ban Xã hội đề nghị bổ sung các quy định để có thể nhận diện các hành vi bạo lực gia đình mới phát sinh, hành vi bạo lực gia đình đối với một số nhóm đối tượng đặc thù. Quy định cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) cũng được đề nghị bổ sung cho phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự cơ sở của công an cấp xã.

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhận định, dự thảo Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về công tác gia đình và PCBLGĐ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác trong các luật có liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Trẻ em; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Bộ luật Hình sự, Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật Hòa giải ở cơ sở… rà soát, đánh giá để bảo đảm tính tương thích của dự thảo Luật với các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời, nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam để tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự án Luật.
Bổ sung quyền hạn, trách nhiệm của công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình ảnh 1 Quang cảnh phiên họp Quốc hội chiều 27-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Trong số các nội dung cụ thể, UBTVQH tán thành tiếp tục quy định về các hành vi bạo lực gia đình theo hướng cụ thể để góp phần bảo đảm tính minh bạch, khắc phục tình trạng luật khung và thuận tiện trong hướng dẫn thi hành Luật. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung vào trong Luật các loại hành vi bạo lực gia đình, tránh bỏ sót hành vi vi phạm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp.

Một nội dung mới trong dự thảo luật là biện pháp giáo dục chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình và biện pháp hỗ trợ kiểm soát hành vi bạo lực gia đình. Các biện pháp này được xây dựng và bổ sung dựa trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và có thể coi là các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình bền vững. Tuy nhiên, do các biện pháp này khá mới đối với lĩnh vực PCBLGĐ, chưa được triển khai thực hiện trên thực tiễn, chưa có đánh giá kết quả tổ chức thực hiện, nên cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, quy định theo hướng có lộ trình để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết (nguồn lực, hệ thống cơ sở trợ giúp PCBLGĐ, đặc biệt là đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp…) để bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Đồng thời, cần đánh giá tính khả thi, điều kiện nhân lực, vật lực để các cơ sở giam giữ người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm thực hiện việc giáo dục chuyển đổi hành vi cho đối tượng bị giam giữ tại cơ sở.

Tin cùng chuyên mục