Bổ sung quy định ngưỡng cảnh báo nợ công

Quy định ngưỡng cảnh báo nợ công là một trong những nội dung được bổ sung vào dự thảo mới nhất của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được trình ra Quốc hội.
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội

Chiều 3-11, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Quy định ngưỡng cảnh báo nợ công là một trong những nội dung được bổ sung vào dự thảo mới nhất của Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) vừa được trình ra Quốc hội.

Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật, ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết, trong quá trình lấy ý kiến đại biểu Quốc hội, có một số ý kiến đề nghị bổ sung chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu, chỉ tiêu mức trả nợ so với thu ngân sách nhà nước, chỉ tiêu cảnh báo để có giải pháp kiểm soát khi nợ có khả năng vượt trần nợ công.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo mới nhất đã được bổ sung quy định về ngưỡng cảnh báo nợ công theo hướng quy định rõ: “Chỉ tiêu an toàn nợ công là hệ thống chỉ tiêu quy định mức trần và ngưỡng cảnh báo về nợ do Quốc hội quyết định”.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng kim ngạch xuất khẩu. Chỉ tiêu mức trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước đã được quy định trong Dự thảo luật.

Về ý kiến đề nghị xác định cụ thể trần nợ công, nợ Chính phủ; bổ sung tiêu chí, phương pháp để tính các chỉ tiêu an toàn nợ công/GDP, nợ của Chính phủ/GDP, UBTVQH cho rằng, dự thảo luật quy định mức trần nợ công so với GDP, nợ của Chính phủ/GDP là các chỉ tiêu nằm trong hệ thống các chỉ tiêu an toàn về nợ công do Quốc hội quyết định, không quy định mức trần của các chỉ tiêu này trong Luật.

“Các chỉ tiêu này được thể hiện trong Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tài chính trung hạn và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm. Quy định này một mặt bảo đảm xác lập đầy đủ căn cứ pháp lý cho quá trình thực hiện, mặt khác vẫn bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ. Tiêu chí, phương pháp tính các chỉ tiêu an toàn nợ công được dựa trên quy định về thống kê, kế toán, số liệu về GDP, nợ công, thu ngân sách nhà nước, tổng kim ngạch xuất khẩu... Vì vậy, xin cho giữ như quy định của Dự thảo luật đã trình Quốc hội”, ông Nguyễn Đức Hải giải trình.

Về Chiến lược nợ công, Kế hoạch vay trả nợ công, Chương trình quản lý nợ trung hạn, có ý kiến cho rằng, thẩm quyền quyết định các công cụ quản lý nợ quy định trong Dự thảo luật chưa phù hợp do Chiến lược nợ công cho giai đoạn 10 năm do Chính phủ quyết định trong khi Kế hoạch vay trả nợ công cho giai đoạn 5 năm lại do Quốc hội quyết định. Đề nghị giao thẩm quyền quyết định chiến lược nợ công cho Quốc hội hoặc UBTVQH.

UBTVQH đã tiếp thu, bỏ Điều 11 Dự thảo luật đã trình Quốc hội về Chiến lược nợ công. Trong quá trình điều hành, Chính phủ có thể ban hành Chiến lược nợ công trong Chiến lược tài chính phục vụ cho quá trình điều hành theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục