Bộ sách giáo khoa do TPHCM hợp tác biên soạn không xong vào năm học 2019-2020

Sáng 6-12, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12 HĐND TPHCM khóa IX, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn cho biết, bộ sách giáo khoa (SGK) do TPHCM hợp tác biên soạn chưa ra mắt ngay được trong năm học 2019-2020.

Không phải là SGK riêng của TPHCM

Trả lời chất vấn của ĐB Trương Lê Mỹ Ngọc về “tiến độ xây dựng bộ SGK riêng của TPHCM” đến đâu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn khẳng định, sở không có chức năng biên soạn SGK riêng, mà sở đang hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn một bộ SGK, phục vụ không chỉ cho địa bàn TPHCM.
Trong sự hợp tác này, sở tìm nhân lực, mời những chuyên gia, người có chuyên môn, giáo viên giỏi để xây dựng bộ sách, theo các mục tiêu: bám sát chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành rồi đưa thêm các nội dung đặc trưng của địa phương; tích hợp các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội để đổi mới, phát triển năng lực người học.
Bộ sách giáo khoa do TPHCM hợp tác biên soạn không xong vào năm học 2019-2020 ảnh 1 Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Theo ông Lê Hồng Sơn, đó là các mục tiêu mong muốn, còn cơ sở thực hiện phải có chương trình bộ môn của Bộ GD-ĐT ban hành; hiện nay, Bộ chỉ mới ban hành khung chương trình mới, chứ chưa có khung chương trình các bộ môn. Chỉ sau khi có khung chương trình các bộ môn thì Nhà xuất bản Giáo dục và Sở GD-ĐT TPHCM mới bắt tay hình thành bộ SGK. Khi hoàn thành, hai đơn vị sẽ trình Bộ Giáo dục thẩm định, quyết định xem có cho phép áp dụng ở TPHCM hay không.
Trong trường hợp Bộ cho phép sử dụng, thì quyết định lựa chọn bộ SGK nào vẫn do trường học quyết định (tùy thuộc vào quyết định của hội đồng bộ môn ở trường, của giáo viên), chứ Sở GD-ĐT TPHCM không can thiệp.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, bộ SGK của Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện từ năm học 2020-2021 nên TPHCM phải chờ khung bộ môn ban hành rồi mới áp vào, thực hiện bộ SGK mà TP hợp tác làm. Vì thế, ngay năm học 2019-2020 chưa có bộ SGK này.

“TPHCM có nên làm bộ SGK như vậy không, vì Bộ GD-ĐT đã có SGK rồi? Tức là TP vừa đi sau một bước, vừa tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhà trường, trong khi chất lượng bộ SGK chưa hình dung được và kinh phí thực hiện ra sao? Quan điểm của Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thế nào, có nên làm hay không?”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm truy vấn.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hồng Sơn trả lời: “TPHCM hợp tác để thực hiện bộ SGK và quan điểm cá nhân tôi, chúng ta không phải đi sau hay không mà là do phê duyệt chính thức của Bộ GD-ĐT. Về chất lượng, tôi tự tin với nguồn nhân lực, chuyên gia ở TPHCM cùng cộng tác thực hiện thì sẽ có một bộ SGK rất chất lượng. Trong đó, tích hợp các môn khoa học theo tự nhiên, xã hội; hài hòa giữa lý thuyết và thực hành. Tôi cho rằng sẽ nhiều trường học, thậm chí các tỉnh lân lận cũng áp dụng bộ sách này”.

Cải tạo kênh, giảm ngập cho sân bay Tân Sơn Nhất

ĐB Lê Nguyễn Minh Quang đặt vấn đề, trên địa bàn quận Tân Bình có dự án cải tạo kênh Hy Vọng nhưng bây giờ lại ngưng. TP đang gặp khó khăn về nguồn vốn nhưng không phải vì thế mà dừng lại, bởi dự án không những góp phần giải quyết chống ngập cho quận Tân Bình mà còn cho cả sân bay Tân Sơn Nhất. “Đề nghị Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết hướng xử lý như thế nào trong thời gian tới”, ĐB Lê Nguyễn Minh Quang chất vấn.

Đáp từ, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM cho biết, để thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất, có 3 hướng: kênh Hy Vọng, kênh A41 và mương Nhật Bản. Trong năm 2016-2017, TPHCM đã hoàn thành cải tạo, tạo thông thoáng cho tuyến mương Nhật Bản. Còn hai hướng kia đã giao cho quận đầu tư giải phóng mặt bằng để cải tạo. Trong đó, kênh Hy Vọng có quy mô dài 1,8 km, rộng từ 5-11m, dự kiến kinh phí cải tạo là 150 tỷ đồng. Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp với quận đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng. Và định kỳ trung tâm tổ chức nạo vét, đảm bảo thông thoáng cho khu vực sân bay.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, một vấn đề khiến nước khó thoát nước ở khu vực này chính là rác thải, người dân quăng cả cây cối, rác thải xuống kênh.

Liên quan đến việc xử lý các trường hợp vứt rác thải, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận, thách thức rất lớn trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng là việc vứt rác bừa bãi. Năm 2018, TP đã xử lý 296 trường hợp vi phạm vứt rác nơi công cộng, kênh rạch, cống thoát nước.

Bộ sách giáo khoa do TPHCM hợp tác biên soạn không xong vào năm học 2019-2020 ảnh 2 Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Nguyễn Toàn Thắng chỉ ra 5 điểm còn bất cập trong việc xử lý vứt rác: lực lượng xử lý không đủ, khó theo dõi xử lý hành vi xả rác; trong 296 trường hợp đã xử lý, có nhiều người bán hàng rong, người có thu nhập thấp trong khi mức xử phạt lại cao nên lực lượng xử lý lại khó xử giữa bênh tình bên lý; việc vứt rác thường xảy ra ở nơi vắng người, đất trống nên thiếu phương tiện ghi hình, kiểm tra giám sát; hiện nay, chưa có chế tài hành vi đổ rác xây dựng không đúng nơi quy định; Chính phủ cũng chưa quy định việc trích xuất hình ảnh từ camera để xử lý hành vi vứt rác.

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM đề nghị, cần có cơ chế giao thêm thẩm quyền để có đội ngũ nhân lực thực hiện việc xử lý vứt rác và sử dụng nguồn tiền xử phạt để hỗ trợ cho lực lượng này. Đồng thời, đề nghị Trung ương cho phép sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh, giao thông để xử phạt hành vi xả rác.

“Điều kiện hệ thống camera TPHCM đã có rồi, chỉ cần tích hợp và có quy định cho phép sử dụng hình ảnh để xử phạt vứt rác”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.

Cùng với đó, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM đề nghị bổ sung quy định về xử phạt đối với hành vi đổ bỏ chất thải rắn không đúng nơi quy định.

Tin cùng chuyên mục