Bộ NN-PTNT tập huấn “hộ đê” phòng chống bão lụt online

Ngày 8-12, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến đặc biệt diễn ra theo hình thức trực tuyến. 
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì hội nghị tập huấn online về hộ đê tại điểm cầu Hà Nội

Sáng 8-12 tại trụ sở Bộ NN-PTNT đã diễn ra “Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách bảo vệ đê điều tại các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt”. 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Phạm Đức Luận, thời gian qua, tình hình mưa lũ cực đoan đã xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó lũ lụt tại châu Âu được đánh giá là thảm họa thiên tai tồi tệ nhất trong gần sáu thập kỷ (làm 188 người chết, hàng ngàn người phải sơ tán). 

Tại Trung Quốc, đất nước có hệ thống đê điều, hồ chứa cắt lũ với quy mô rất lớn, nhưng năm 2020 lũ trên 53 con sông đã vượt mức lũ lịch sử, gây vỡ đê làm ngập lụt diện rộng (ảnh hưởng hơn 70 triệu người; 271 người chết, mất tích; 54.000 ngôi nhà bị sập, thiệt hại kinh tế trên 35 tỷ USD). 

Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục phải đối mặt với tình trạng lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều nơi do xuất hiện các trận mưa lớn chưa từng có, quân đội Trung Quốc đã phải cho nổ một số vị trí đê ở tỉnh Hà Nam để chuyển lũ. Ngày 21-7-2021, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố “tình hình lũ lụt là vô cùng nghiêm trọng”.

Ở nước ta, từ đầu năm đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp với 8 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, 128 trận động đất nhẹ, 325 trận mưa đá, dông lốc, sét; 166 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 160 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 18 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc. 

Thiên tai đã làm 91 người chết, 14 người mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 4.400 tỷ đồng. 

Riêng từ ngày 27-11 đến ngày 30-11, khu vực miền Trung (từ Quảng Nam đến Khánh Hòa) và Bắc Tây Nguyên đã có mưa lớn, gây lũ, ngập lụt trên diện rộng. Mưa lũ đã làm 17 người chết, mất tích; 969ha lúa, 951ha hoa màu bị thiệt hại. 

Mặc dù năm 2021 không có lũ lớn trên các tuyến sông có đê, nhưng hệ thống đê điều cũng đã xảy ra trên 70 sự cố, trong đó có những sự cố nghiêm trọng như sạt lở đê tả sông Thao ở tỉnh Phú Thọ; sạt lở kè Nghi Xuyên, đê tả Hồng ở tỉnh Hưng Yên; nứt đê nghiêm trọng tại tuyến đê tả Đáy ở Hà Nội, sụt lún đê hữu Đáy ở tỉnh Ninh Bình… 

Hằng năm, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã trực tiếp tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống lụt bão cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt.

Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hội nghị tập huấn không thể tổ chức vào thời gian trước mùa mưa lũ như các năm; nên Tổng cục Phòng chống thiên tai quyết định tổ chức theo hình thức trực tuyến.
 
Tại hội nghị, các địa phương đã thảo luận về xu thế thời tiết và tình hình thiên tai bão, lũ những tháng đầu năm 2022; các bài học kinh nghiệm về công tác quản lý trong thời gian vừa qua, trao đổi về các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện, sẵn sàng cho mùa mưa lũ tiếp theo… 

Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thuỷ văn quốc gia cảnh báo, thêm một bộ phận không khí lạnh đang tăng cường xuống nước ta. Dự báo khoảng sáng mai 9-12, không khí lạnh này bắt đầu ảnh hưởng tới miền Bắc, sau đó lan tỏa dần xuống miền Trung.

Từ ngày 9-12, từ Bắc bộ đến Thừa Thiên-Huế trời rét. Nhiệt độ phổ biến ở miền Bắc là 13-16oC, vùng núi dưới 10oC (rét đậm rét hại). Nhiệt độ từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế 16-18oC. 

Do không khí lạnh lệch Đông nên thời tiết tại Nam bộ và Tây Nguyên cũng ảnh hưởng nhẹ. Nhiệt độ ban đêm về sáng tại TPHCM vào cuối tuần này có thể xuống 20-21oC.

 Miền Trung lại được cảnh báo có mưa, có nơi mưa to. 

Tin cùng chuyên mục