Bộ NN-PTNT phủ nhận phản ánh của VASEP

Theo quy định của Bộ NN-PTNT, nguyên liệu thủy sản khai thác biển để xuất khẩu phải có hồ sơ chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác (giấy S/C). Tuy nhiên mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam phản ánh có tình trạng một số cảng cá chỉ chứng nhận với hạn mức không quá 36 tấn trên 1 giấy là bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Khai thác hải sản đòi hỏi phải có xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác (S/C) theo quy định. Ảnh theo Báo Ninh Thuận
Khai thác hải sản đòi hỏi phải có xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác (S/C) theo quy định. Ảnh theo Báo Ninh Thuận

Sau khi nhận được công văn số 82 ngày 12-6-2020 của Hiệp hội Chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản ánh bất cập về việc một số ban quản lý cảng cá yêu cầu doanh nghiệp tách số lượng nguyên liệu trên giấy xác nhận S/C (chỉ cho phép không quá 36 tấn/1 giấy) là bất hợp lý, chiều 3-8, Bộ NN-PTNT đã có công văn phúc đáp rõ nội dung này.

Công văn do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ký cho biết, sau khi nhận được ý kiến của VASEP, Tổng cục Thủy sản của Bộ NN-PTNT đã ban hành công văn số 1161 gửi Sở NN-PTNT các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, báo cáo, giải trình rõ nội dung mà VASEP nêu.

Tiếp đó, ngày 2-7, Bộ NN-PTNT đã ban hành văn bản số 4478 gửi UBND các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị: chỉ đạo các ban quản lý cảng cá thực hiện việc thu phí xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo đúng quy định tại Thông tư số 118/2018/TT-BTC ngày 11-10-2018 của Bộ Tài chính. 

Đồng thời tổ chức kiểm tra làm rõ việc các ban quản lý cảng cá ở các tỉnh này yêu cầu tách khối lượng thủy sản khai thác được để thu phí thẩm định xác nhận.

Tính đến ngày 10-7, Tổng cục Thủy sản đã nhận được báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu về nội dung này, cụ thể như sau:

Tại Quảng Ngãi, Ban quản lý cảng cá Quảng Ngãi báo cáo đã thực hiện thu phí đúng theo quy định tại Thông tư số 118, không có nội dung nào như phản ảnh của VASEP.

Tại Bình Định: Ban quản lý cảng cá Bình Định thực hiện việc xác nhận S/C theo đề nghị của các doanh nghiệp chứ không buộc doanh nghiệp phải tách hồ sơ xác nhận, cụ thể: có 9/328 hồ sơ của 4 doanh nghiệp có mức phí xác nhận tối đa 700.000 đồng/lần, gồm: Công ty Cổ phần thủy sản Bình Định, Công ty TNHH đồ hộp Việt Cường, Công ty TNHH đồ hộp Blue Sea, Công ty Cổ phần FOODTECH.

Ngày 7-10, Ban quản lý cảng cá Bình Định đã có văn bản gửi Công ty Cổ phần FOODTECH trả lời về hồ sơ đề nghị xác nhận xuất xứ hàng hóa thủy sản của công ty, trong đó có nội dung: đề nghị doanh nghiệp khi yêu cầu cấp giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khai thác thực hiện lại việc tách hồ sơ yêu cầu xác nhận nguồn gốc nguyên liệu theo quy định, mức thu tối đa là 700.000 đồng/lần (tương đương khoảng 36,6 tấn/1 bộ hồ sơ) vì số lượng tàu, sản lượng mà các doanh nghiệp thu mua để làm các giấy S/C quá lớn, việc kiểm tra trong 2 ngày là không đủ thời gian.

Tuy nhiên, Ban quản lý cảng cá Bình Định vẫn thực hiện việc xác nhận S/C cho Công ty Cổ phần FOODTECH với khối lượng 119.458kg/1 giấy với mức thu phí là 700.000 đồng.

Tại Phú Yên, ban quản lý cảng cá không hướng dẫn doanh nghiệp, chủ hàng tách khối lượng nguyên liệu trên giấy S/C, thực tế Bản quản lý cảng cá Phú Yên đã thẩm định, cấp nhiều giấy S/C có khối lượng lớn hơn mức mà VASEP nêu trong công văn.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các tổ chức quản lý cảng cá không yêu cầu các doanh nghiệp tách khối lượng nguyên liệu trên giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; thực hiện việc thu phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo đúng quy định tại Thông tư số 118.

Cuối cùng, công văn của Bộ NN-PTNT kết luận: Thông qua phản ảnh của VASEP và báo cáo của Sở NN-PTNT các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT thấy rằng: 

Thông tin VASEP phản ánh về việc thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức quản lý cảng cá là cần thiết. Song VASEP cần phản ánh sự việc khách quan, đúng thực tế để tránh gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của các tổ chức quản lý cảng cá khác.

Thực tế kết quả xác nhận tại các cảng cá có rất nhiều giấy S/C có khối lượng lớn trên 40 tấn nhưng các tổ chức quản lý cảng cá vẫn thu phí không quá 700.000 đồng/giấy theo quy định.

Các tổ chức quản lý cảng cá đã xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định tại Thông tư số 21 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT; thu phí thẩm định, xác nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định tại Thông tư số 118 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.


Để hoàn thiện thêm hai văn bản trên, Bộ NN-PTNT đề nghị, trong thời gian tới, VASEP tiếp tục phối hợp để rà soát, đánh giá một số nội dung có liên quan như: thời gian thực hiện xác nhận tại cảng cá, mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản phù hợp với khối lượng thủy sản cần xác nhận.

Tin cùng chuyên mục