Bổ nhiệm thần tốc

 

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bổ nhiệm thần tốc đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra và xử lý. Có những cán bộ lãnh đạo vì mưu lợi cho mình và người thân mà không ngần ngại dùng quyền lực và cả những mưu chước, thủ thuật trơ trẽn, để chỉ trong vài năm là có thể đưa những người không đủ tiêu chuẩn lọt vào hàng ngũ cán bộ lãnh đạo ngành, địa phương. Nhiều vụ bổ nhiệm thần tốc được bao biện rằng đã làm đúng quy trình, thực hiện chủ trương khuyến khích cán bộ trẻ, trọng dụng nhân tài.

Lâu nay dư luận vẫn râm ran về chuyện ở bộ này, tỉnh kia có những người nhanh chóng thăng quan, tiến chức không do tài năng, bản lĩnh, hiệu quả công việc, mà là do được đỡ đầu nhờ các yếu tố: quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, đồ đệ. Nay, với liên tiếp những vụ bổ nhiệm thần tốc bị phanh phui, xử lý, có thể thấy chuyện sai trái, tệ hại, tiêu cực như vậy trong công tác cán bộ là sự thật đáng buồn, cần phải xử lý kiên quyết và ngăn chặn, chấn chỉnh có hiệu quả. Chuyện bổ nhiệm thần tốc cho con em không còn lạ, nay còn có cả chuyện ưu ái bổ nhiệm thần tốc “thiếu nữ thân quen” của mình. Với quan hệ gia đình, quan hệ lợi ích, thậm chí quan hệ tình cảm nam nữ bất chính, có những người liên tục được thăng chức đến mức chóng mặt, khó tin, chỉ vài tháng lại lên một chức vụ mới, thời gian đảm nhiệm chức vụ chưa đủ để quen việc, chưa đủ để chứng tỏ năng lực, vậy mà vẫn nhanh chóng được cất nhắc lên vị trí khác cao hơn. 

Làm cách nào những cán bộ lãnh đạo suy thoái có thể qua mặt sự giám sát, quyết định của cả hệ thống chính trị để thực hiện được việc bổ nhiệm thần tốc cho những người mình đỡ đầu? Điểm lại các vụ việc mới bị kiểm tra, xử lý, có thể thấy những thủ thuật khá giống nhau. Quy trình bổ nhiệm cán bộ bị bóp méo, vo tròn, diễn giải, bao biện một cách tùy tiện. Lợi dụng sự bất cập, yếu kém, nhược điểm trong công tác tổ chức cán bộ, và cả sự thỏa hiệp, e dè của nhiều cán bộ không dám mạnh dạn đấu tranh với những biểu hiện sai trái, đặc quyền trong việc đề bạt, cơ cấu cán bộ. Có những hành vi vun vén cá nhân, mưu lợi riêng tư trong công tác cán bộ đến mức thách thức dư luận, nhưng vẫn thực hiện trót lọt được, là do tâm lý nể nang, hoặc do lợi ích nhóm, trong khi đó, việc giám sát bị buông lỏng đến mức chỉ là hình thức.

Con em của cán bộ lãnh đạo, nếu có tài năng, phẩm chất, đủ tiêu chuẩn, sẽ có nhiều triển vọng phát huy tốt truyền thống gia đình, thành cán bộ vừa hồng vừa chuyên, là điều đáng trân trọng. Nhưng sẽ thật tệ hại nếu như cán bộ lãnh đạo đỡ đầu cho con em mình thăng quan, tiến chức bằng những thủ thuật gian xảo, qua mặt, o ép tổ chức, bổ nhiệm vào những vị trí cao quá trình độ, năng lực, phẩm chất. Cán bộ chưa qua thử thách, rèn luyện, chưa đạt tiêu chuẩn, mà dễ dàng được bố trí vào những cương vị trọng yếu sẽ dễ kiêu ngạo, quyết định sai lầm gây nhiều hệ lụy, và cũng sẽ thất bại khi không còn được đỡ đầu. Hậu quả của việc được đỡ đầu bổ nhiệm thần tốc không chỉ bản thân phải trả giá, mà gây liên lụy cả tương lai, vận mệnh đất nước. 

Để nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì từng ngành, từng địa phương phải rà soát, chấn chỉnh việc bổ nhiệm sai người, sai quy trình; ràng buộc quyền lực và lợi ích gắn chặt với nghĩa vụ và trách nhiệm. Không dung túng cho những trường hợp vi phạm quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc cho chủ trương và quyết định về công tác tổ chức cán bộ. Trong các vụ bổ nhiệm thần tốc bị phanh phui, nhiều ngành, nhiều địa phương và cá nhân liên quan vẫn bao biện rằng đã làm đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ. Do vậy, cùng với việc kiểm tra thật kỹ đã sai quy trình ở khâu nào, ai là người phải chịu trách nhiệm, và các cơ quan thực thi quyền lực giám sát kiểm soát có vấn đề hay không, thì phải soát xét xem quy trình bổ nhiệm cán bộ có sơ hở gì, nhược điểm gì khiến những cán bộ lãnh đạo suy thoái có thể lợi dụng làm phương tiện cho những mưu đồ sai trái.

Tin cùng chuyên mục