Bộ ngành có quan điểm xử lý khác nhau, cử tri bối rối!

Thông qua 1.050 cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, đã có 1.904 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay có 1.810 kiến nghị được giải quyết, trả lời, đạt 95% - Báo cáo của Ban Dân nguyện tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15-3 cho biết.
Toàn cảnh phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Toàn cảnh phiên họp thứ 54 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Đã giải quyết, trả lời 95% kiến nghị của cử tri

Theo Báo cáo nêu trên, các Bộ, ngành đã giải quyết, trả lời với trách nhiệm cao một khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Một số Bộ, ngành trả lời đầy đủ, đúng thời hạn với số lượng lớn kiến nghị, được nhiều đoàn đại biểu Quốc hội đánh giá cao như: Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp...

Đáng lưu ý, một số vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội đã được các Bộ, ngành tiếp thu, xem xét, giải quyết kịp thời. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế thống nhất thí điểm sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế trên ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (không cần thẻ bảo hiểm y tế bằng giấy) cho người dân tại 10 tỉnh, thành phố ở miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của đợt bão lũ thời gian vừa qua.

Một số vấn đề cử tri đã kiến nghị nhiều lần chưa được giải quyết dứt điểm tại một số kỳ họp trước, cũng đã được tiếp thu xem xét, giải quyết tại kỳ họp này. Như, Thanh tra Chính phủ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130 quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó quy định về người có nghĩa vụ kê khai hàng năm, việc xử lý đối với những người kê khai không trung thực...

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Một số vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm kiến nghị đang được các bộ, ngành tiếp thu như chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, chế biến lâm sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Nghị định); cơ cấu biểu giá bán lẻ điện (Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ).

Ở khối các cơ quan tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã xem xét, trả lời 30/30 kiến nghị. Trong đó, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã thông tin đến cử tri về việc Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành một số văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến nợ xấu...

Còn 94 kiến nghị (5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời

Thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế trong công tác này, Báo cáo nêu, hiện vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri chưa được trả lời đúng thời hạn. Có 94 kiến nghị (chiếm 5%) gửi đến kỳ họp thứ 10 chưa được trả lời.

Một số ít văn bản trả lời chung chung, không nêu rõ kết quả khi cử tri yêu cầu tổ chức kiểm tra, rà soát tiêu chuẩn, chất lượng. Chẳng hạn, cử tri tỉnh Ninh Thuận phản ánh, trong cơn bão số 5 (năm 2020) ở một số tỉnh miền Trung có nhiều cột điện ly tâm dự ứng lực (loại cột điện chịu lực tốt) đã bị gãy đổ. Cử tri đề nghị rà soát, kiểm tra tiêu chuẩn kỹ thuật đối với loại cột điện này. Bộ Công thương chỉ nêu chung chung “đã cùng với Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng cột điện bị đổ hàng loạt”; trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh được cử tri hết sức quan tâm.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế. Đơn cử là quy định về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng có sự không thống nhất về quan điểm giữa Bộ, ngành trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Điển hình là việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, trong khi Bộ Tư pháp cho rằng hành vi nói trên, dù với số lượng nào cũng đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì Tòa án Nhân dân tối cao lại cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng cần tham khảo hướng dẫn tại Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07-01-1995 (quy định cụ thể về số lượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Đáng nói hơn, Thông tư liên ngành số 01 đã… hết hiệu lực thi hành.

Năm kiến nghị lớn được cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11

Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV do ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày, từ sau kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 2.278 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước.

Bộ ngành có quan điểm xử lý khác nhau, cử tri bối rối! ảnh 1 Ông Hầu A Lềnh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Ông Hầu A Lềnh nhấn mạnh, cử tri và nhân dân phấn khởi trước sự thành công tốt đẹp của Đại hội XIII của Đảng. Đại hội là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, dân tộc, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng, xác định tầm nhìn phù hợp đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và phát triển đất nước. Công tác chuẩn bị văn kiện cho Đại hội XIII của Đảng được thực hiện kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của nhân dân. Nhân sự bầu vào Trung ương là những đồng chí tiêu biểu của trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển của dân tộc ta.

Tới đây, cử tri và nhân dân quan tâm nhiều đến cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cử tri và nhân dân mong muốn các cơ quan có thẩm quyền giám sát chặt chẽ cuộc bầu cử; tạo điều kiện để nhân dân được thực hiện đầy đủ quyền công dân, đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, dân chủ, bình đẳng và thành công tốt đẹp.

Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kiến nghị 5 vấn đề lớn:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sớm ban hành chương trình cụ thể đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường, cơ hội cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, phát huy hiệu quả các nguồn lực của đất nước.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Thứ ba, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục có các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cần đánh giá, rút kinh nghiệm, phát huy những điểm mạnh, khắc phục những yếu kém, bảo đảm các cơ quan trong bộ máy nhà nước tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tiến trình đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; khắc phục một số tồn tại trong giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội; quản lý đất đai và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; hoàn thiện thể chế về quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên và thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. 

Thứ năm, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của cử tri, nhân dân và của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV để báo cáo với cử tri và nhân dân cả nước.

Tin cùng chuyên mục