Bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang châu Âu

Việc được cấp phép lưu hành tại châu Âu sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm có thể xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Âu, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Ngày 22-4, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cho biết, Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh vừa cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của Việt Nam, giúp sản phẩm đủ điều kiện để lưu hành tại châu Âu.

Bộ kít này do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất, đây là kết quả của một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do Bộ KH-CN phê duyệt.

 Ngày 3-3, Hội đồng KH-CN cấp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ KH-CN thành lập đã họp và đánh giá cao kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít realtime RT PCR one step và 8/8 thành viên Hội đồng nhất trí kiến nghị Bộ Y tế cấp phép sử dụng bộ kít realtime RT-PCR do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu sản xuất.
Ngày 4-3, Bộ Y tế đã có Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc ban hành danh mục 2 sinh phẩm chẩn đoán invitro (trong ống nghiệm) xét nghiệm virus Corona (SARS-CoV-2) được cấp phép số đăng ký do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Hiện tại, năng lực sản xuất của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á khoảng 10.000 test kít/ngày, khi cần huy động có thể tăng công suất lên 3 lần. Như vậy, năng lực sản xuất của Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu hoặc hỗ trợ quốc tế trong tình trạng dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp thế giới.
Ngay thời điểm đó, các kết quả nghiên cứu, thử nghiệm của Học viện Quân y đã được gửi đến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và được WHO đánh giá cao. Ngay sau đó, WHO đã xin phép Học viện Quân y chia sẻ kết quả đến mạng lưới các phòng thí nghiệm của WHO trên toàn cầu và Học viện Quân y đã đồng ý.
Bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang châu Âu ảnh 1 Bộ sản phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á nghiên cứu và sản xuất. Ảnh: TRẦN BÌNH
Việc được cấp phép lưu hành tại châu Âu sẽ tạo điều kiện cho sản phẩm có thể xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Âu, nơi đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trước đó, hơn 20 quốc gia và doanh nghiệp đã đặt mua bộ kít xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam sản xuất như Iran, Ukraina, Phần Lan và Malaysia...
Theo đánh giá của các chuyên gia, bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 của Việt Nam được đánh giá có nhiều ưu điểm như thời gian cho kết quả nhanh hơn, dễ sử dụng hơn so với quy trình hướng dẫn của WHO và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ.
Theo kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y, bộ sinh phẩm này tương thích hầu hết với các máy móc, thiết bị trong việc xét nghiệm, đánh giá, điều trị dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay. Thời gian để bộ kít cho kết quả khoảng hơn 1 giờ.

Tin cùng chuyên mục