Bộ KH-ĐT cảnh báo rủi ro “bong bóng thị trường“

Chiều 31-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3-2021, đây là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn của Chính phủ khóa XIV.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 31-3. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 31-3. Ảnh: VIẾT CHUNG

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình kinh tế - xã hội quý 1-2021 phát triển tích cực. Nhiều chỉ số kinh tế - xã hội tốt hơn. Không khí làm ăn kinh doanh khởi sắc hơn, nhất là khi chúng ta kiểm soát được dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP quý 1 đạt 4,8%, “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) tiếp tục tăng, mặc dù dịch vụ tăng thấp do dịch bệnh. So với cùng kỳ, chỉ số tăng trưởng này tốt hơn rất nhiều. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, với 30.000 doanh nghiệp, tăng khoảng 28%, nhất là doanh nghiệp ngành chế tạo có xu hướng tăng rất tốt. Vốn đầu tư xã hội đều tăng. Thu ngân sách cũng tăng mạnh, do đó, bảo đảm cân đối thu chi cho các nhiệm vụ quan trọng, nhất là chi cho phòng chống dịch Covid-19 được bảo đảm tốt. Xuất nhập khẩu tăng trưởng cao, trong đó, xuất siêu hơn 2 tỷ USD. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 3-2021 giảm 0,27% so với tháng trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục hồi tích cực. Lần đầu tiên kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng dương. Tổng số vốn quý 1 đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, số vốn đăng ký mới và số vốn đăng ký điều chỉnh tăng mạnh, lần lượt tăng 30,6% và 97,4% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với năm 2019, thời điểm trước dịch bệnh. Đặc biệt có những dự án quy mô lớn trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây chính là thành quả của quá trình phòng, chống dịch bệnh thành công cũng như phản ánh niềm tin, kỳ vọng mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng nền kinh tế nước ta.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình Chính phủ báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2021. Theo Bộ KH-ĐT, tăng trưởng kinh tế quý 1 tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.

Bộ KH-ĐT cảnh báo rủi ro “bong bóng thị trường“ ảnh 1 Bộ trưởng  Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, chiều 31-3. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Một điểm cần lưu ý khác, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. “Một phần nguyên nhân do lãi suất ở mức thấp, dòng tiền đang có xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản, một phần do công tác quản lý đất đai, quy hoạch và việc thổi giá của đối tượng môi giới, tạo nên các cơn sốt đất, khiến giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh trong những tháng đầu năm, bất chấp diễn biến của dịch bệnh”, Bộ trưởng nhận định. 

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong báo cáo tháng 1-2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì quý 2-2021 GDP cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý 3 cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý 4 cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế. “Chỉ số giá ở mức thấp, trong khi cân đối ngân sách được bảo đảm là những điều kiện thuận lợi để tiếp tục mở rộng chính sách tài khóa, kích thích tăng trưởng kinh tế; triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, thực hiện ngay các chính sách hỗ trợ bổ sung các ngành, lĩnh vực đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình”, Bộ trưởng nêu.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tập trung theo dõi sát diễn biến của các thị trường tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước giám sát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, BOT giao thông. Tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; giám sát các tổ chức tín dụng có các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Bộ Tài chính tập trung theo dõi thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tăng cường giám sát biến động của thị trường chứng khoán, chống thao túng giá, phòng ngừa rủi ro tăng nóng của thị trường.

Bộ  KH-ĐT cũng đề xuất, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng và khai thác tài nguyên, nhất là tài nguyên đất. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang xây dựng và phê duyệt các dự án đầu tư sử dụng diện tích đất lớn. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án có diện tích sử dụng đất lớn được lập ra với mục đích chiếm dụng đất, trông chờ chênh lệch địa tô, bán lại dự án, không phải mục đích đầu tư phát triển... cản trở đến hiệu quả sử dụng đất, phát triển kinh tế của các địa phương. Do vậy, cần phải thực sự tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục