Bộ GTVT giải ngân đạt 40% kế hoạch năm

Thông tin từ Bộ GTVT ngày 2-7, đến hết tháng 6-2021, các đơn vị đã giải ngân 40% (trong tổng số kế hoạch khoảng 43.401 tỷ đồng), đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (khoảng 6%).

Để có tốc độ giải ngân tốt, Bộ GTVT đã phân bổ hợp lý, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.

Đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 3 đợt cho 11 dự án, với giá trị vốn điều chỉnh 3.130 tỷ đồng. Với các dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng đảm bảo đủ vốn triển khai 2 dự án mới chuyển sang đầu tư công (quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu).

Với dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ GTVT đã điều chuyển bổ sung 647 tỷ đồng kế hoạch. Các dự án trọng điểm đều có tốc độ giải ngân đạt yêu cầu. 

Trong 6 tháng cuối năm, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng và yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch giải ngân của từng dự án để kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc và đề xuất biện pháp xử lý. 

Dù đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở về việc chậm trễ giải ngân nhưng một số chủ đầu tư không có chuyển biến, như: Sở GTVT tỉnh Kon Tum (dự án quốc lộ 24), Sở GTVT tỉnh Gia Lai (dự án quôc lộ 25), nên Bộ GTVT sẽ xem xét không giao nhiệm vụ chủ đầu tư cho các cơ quan này đối với các dự án do Bộ GTVT quản lý.

Bộ GTVT giải ngân đạt 40% kế hoạch năm ảnh 1 Công trình thi công cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tại xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, ngày 14-4-2020. Ảnh: CAO THĂNG

Cùng ngày, Bộ GTVT cho biết đã báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và đề xuất khẩn trương áp dụng cơ chế đặc thù để triển khai dự án.

Theo Bộ GTVT, dự án hiện đã triển khai thi công 3/3 gói thầu xây lắp từ tháng 1-2021. Khối lượng thi công đến tháng 6-2021 đạt 4,9%, chậm 0,9% so với kế hoạch. Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do khó khăn về vật liệu cát đắp nền đường. Hiện nguồn vật liệu cát tại địa phương và các vùng lân cận đang trong giai đoạn rất khan hiếm nên toàn dự án mới đắp được 206.850/2.329.000m3. Bên cạnh đó, dự án bị vướng mặt bằng hơn 3km (8%) do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa di dời và chậm xây dựng các khu tái định cư.

Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN-MT báo cáo Chính phủ cho phép các tỉnh Đồng Tháp và An Giang áp dụng ngay Nghị quyết 60 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị các địa phương chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành các khối lượng còn lại của công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật trong tháng 7-2021. Đồng thời, hoàn thành công tác xây dựng các khu tái định cư phục vụ thi công dự án trong quý 4-2021 và bố trí tạm cư để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Tin cùng chuyên mục