Bộ GD-ĐT cần nói rõ có làm sách giáo khoa hay không?

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 15-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, TPHCM. Ảnh: Quochoi.vn
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, TPHCM. Ảnh: Quochoi.vn

Đề xuất Thủ tướng thành lập Tổ tư vấn về văn hóa, giáo dục

Các ý kiến ĐBQH tiếp tục đánh giá cao kỳ tích phòng chống Covid-19 của quốc gia, trong đó có sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn dân. ĐBQH cũng cho rằng, sau đại dịch, Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp đột phá để tận dụng cơ hội đưa đất nước phát triển.

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đề nghị Thủ tướng thành lập tổ tư vấn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, vì đó là quốc sách hàng đầu, là động lực, là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước. Đặc biệt, sau kỳ tích Covid-19, sức mạnh văn hóa Việt Nam càng thể hiện rõ. “Thủ tướng đã có Tổ tư vấn về kinh tế thì cũng nên có Tổ tư vấn về văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ để góp phần đưa ra những quyết sách phù hợp về lĩnh vực này. Tổ tư vấn sẽ là nơi tập hợp các chuyên gia có uy tín để tham mưu, tư vấn cho Chính phủ, cho Thủ tướng các quyết sách phù hợp về phát huy sức mạnh của  văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ đối với phát triển đất nước”, ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Bên cạnh đó, theo ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa, cần hết sức chú trọng đến lực lượng doanh nghiệp (DN), đây là lực lượng quan trọng để đưa đất nước phát triển. Các chính sách dành cho DN cần đủ mạnh, Chính phủ cũng cần tăng cường đối thoại với các DN để kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

ĐB Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn) cũng cho rằng, sau kỳ tích chống Covid-19, đây là lúc chúng ta phải nhanh chóng thực hiện quyết liệt các giải pháp khôi phục kinh tế, tiếp đà kỳ tích đã có. Trong đó, quan trọng nhất là việc mở rộng các thị trường xuất khẩu. Đồng quan điểm, đánh giá cao các giải pháp Chính phủ đã đưa ra, ĐB Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đề nghị đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, đẩy mạnh thị trường nội địa, hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, xử lý nghiêm các hàng giả, hàng kém chất lượng để chiếm lòng tin của người tiêu dùng. Bởi thị trường nội địa có sức mua rất lớn. Song song đó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, muốn thể phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa.

ĐB Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, Việt Nam xứng đáng có được tấm Huy chương vàng của thế giới về chống Covid-19, và quý giá hơn là tấm Huy chương vàng về lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ. Nhưng quan trọng hơn hiện nay là phải chiến thắng sự tụt hậu. Theo ĐB, những chính sách dành cho DN hiện nay đã đủ nhưng cũng cần đột phá hơn. Niềm tin của người dân, DN đang rất lớn, chúng ta cần nhân lên. Cùng với đó, cần nắm giữ cơ hội sau đại dịch, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh phải thực sự hiệu quả.

Cần có cơ chế để chống tiêu cực trong chỉ định thầu         

ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đánh giá trong thời gian đại dịch, cả nước chia sẻ, ghi nhận những đóng góp của đội ngũ y tế không quản ngại vất vả, hy sinh, mang lại bình yên cho xã hội. Nhưng vụ việc tham nhũng, nâng giá thiết bị y tế vừa qua đã ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh đội ngũ y tế. Điều này có vai trò quản lý của Nhà nước cũng có trách nhiệm, các bộ, ngành liên quan phải khẩn trương tìm và sửa chữa các lỗ hổng trong quản lý giá và mua sắm vật tư y tế. ĐB nêu bức xúc về vụ việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội).

Theo ĐB, đã có sự lợi dụng tình huống cấp bách để vi phạm về đấu thầu mua máy xét nghiệm và trang thiết bị y tế. ĐB cho rằng, trong tình huống cấp bách thì chỉ định thầu rút gọn là đúng, nhưng sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng, khó kiểm soát do thiếu cơ chế giám sát việc chỉ định thầu. Không thể làm sơ sài làm thất thoát ngân sách, dẫn đến các địa phương chỉ định thầu, mua cùng loại vật tư y tế nhưng khác nhau về giá và quá chênh lệch so với giá thị trường.

ĐB đề nghị các bộ ngành sớm tham mưu cho Chính phủ xem xét lại quy định này, đảm bảo việc chỉ định thầu được chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản Nhà nước. Phải có bộ điều kiện cụ thể để chỉ định, lựa chọn nhà thầu. Cơ quan chức năng phải cập nhật giá để tham khảo, xem xét bởi số tiền ngân sách chi trả cho vật tư y tế hàng năm là không nhỏ, có thể lên đến vài nghìn tỷ đồng mỗi năm ở các địa phương, nhưng lại không có hệ thống dữ liệu chuẩn để đối chiếu giá của các thiết bị y tế. Bà đề nghị Bộ Y tế sớm có trang thông tin về giá các vật tư y tế để địa phương tham khảo. Bộ cũng cần có hướng dẫn các địa phương về lựa chọn các thiết bị, nhà cung cấp, giá để đảm bảo tiêu chuẩn của ngành y tế.

Bộ GD-ĐT cần nói rõ có làm SGK hay không?

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết (TPHCM) đặt vấn đề về việc Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) không thực hiện được bộ sách giáo khoa (SGK) như Nghị quyết 88 của Quốc hội nhằm tạo sự chủ động trong triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mới, nguyên nhân là do không tìm được tác giả viết sách, vướng mắc về cơ chế trả nhuận bút biên soạn SGK. Hầu hết ứng viên nộp hồ sơ tuyển chọn đều đang thực hiện hợp đồng biên soạn SGK với các nhà xuất bản khác. Bộ GD-ĐT đã có báo cáo Quốc hội nhưng ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, Nghị quyết có từ năm 2014, đến 2019 Bộ mới tiến hành đấu thầu là chậm. Với cách làm này và với lý giải của Chính phủ, không chỉ SGK lớp 1 mà SGK lớp 2 và các lớp còn lại cũng chỉ sử dụng SGK do tư nhân làm vì không thể giải quyết được vướng mắc về nhuận bút. “Tới đây, học sinh sẽ chỉ sử dụng SGK do tư nhân làm, không có SGK của Bộ, đặt huống nếu SGK một khối lớp nào đó không bảo đảm chất lượng, mà Bộ không có SGk thì tính sao? Do đó, Chính phủ cần báo cáo rõ thêm và khẳng định lại có tiếp tục thực hiện nhiệm vụ biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT chủ trì hay không để đại biểu Quốc hội trả lời trước cử tri”, ĐB nói.

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết cũng cho rằng việc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và chống độc quyền trong biên soạn SGK là cần thiết nhưng phải đảm bảo mang lại SGK chất lượng tốt, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu chương trình giáo dục mới và phù hợp với túi tiền của đại đa số các gia đình.  Giá  SGK lớp 1 mới cao hơn ít nhất 2,2 lần so với sách hiện hành, dù các nhà xuất bản đã giảm giá do dịch Covid-19. Do đó, theo ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Chính phủ cần có cơ chế hỗ trợ về SGK, nhất là SGK lớp 1.

Tin cùng chuyên mục