Bộ đề nghị xử lý ông Vinh vì phát ngôn về Sơn Trà

Văn bản nêu: “Mặc dù đã được chủ trị tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác”.
Ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) chia sẻ với báo chí bên ngoài buổi tọa đàm về Sơn Trà
Ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) chia sẻ với báo chí bên ngoài buổi tọa đàm về Sơn Trà

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái vừa ký văn bản đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng xem xét sự việc liên quan phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) tại tọa đàm về Sơn Trà do Bộ phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức tại Hà Nội.

Văn bản nói rõ: Tại tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững khu du lịch quốc gia Sơn Trà”, ông Huỳnh Tấn Vinh được mời tham dự và trình bày các ý kiến kiến nghị liên quan đến quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

“Mặc dù đã được chủ trị tọa đàm nhắc nhở về việc cân nhắc kỹ nội dung phát ngôn, đảm bảo chuẩn xác nhưng ông Huỳnh Tấn Vinh vẫn cố tình phát biểu tại tọa đàm những nội dung thiếu chính xác”.

Trong văn bản này cũng trích dẫn ý kiến của ông Vinh được Bộ cho là thiếu chính xác, cụ thể trong phát biểu của mình ông Vinh đã dẫn ra quy hoạch Sơn Trà vi phạm các điều luật như: Luật Bảo vệ phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học…

“Việc phát ngôn như trên của ông Huỳnh Tấn Vinh là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề”, văn bản kết luận.

Trên cơ sở đó, Bộ VH-TT&DL đề nghị Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có biện pháp xử lý, yêu cầu ông Vinh có văn bản giải trình, trả lời Bộ trước ngày 15-6-2017 để Bộ báo cáo các cấp có thẩm quyền.

Trước những kiến nghị về quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản số 3917/UBND-SXD gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan đến “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, định hướng 2030”.

Tại báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng đã trả lời rõ các nhóm vấn đề mà ông Huỳnh Tấn Vinh cùng một số tổ chức khác kiến nghị.

Cụ thể: Ông Vinh kiến nghị giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà vì hiện nay Đà Nẵng đang có gần 600 khách sạn với 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt khách mỗi năm.

UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng để đón được 15 triệu lượt khách lưu trú/năm (gần gấp 3 lần hiện nay) đến năm 2030 theo công suất phòng thực tế thì thành phố này cần phải có gần 58.000 buồng phòng. Hiện nay, tại khu vực bán đảo Sơn Trà đã có 253 buồng phòng của một số dự án đã đưa vào hoạt động, một số dự án đang tiến hành xây dựng, do đó việc kiến nghị giữ nguyên hiện trạng Sơn Trà của ông Vinh là chưa phù hợp.

Đà Nẵng tái khẳng định nội dung Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà xác định quy mô 1.600 phòng khách sạn đến năm 2030 là phù hợp.
Bộ đề nghị xử lý ông Vinh vì phát ngôn về Sơn Trà ảnh 1 Sơn Trà - "ngôi nhà" của vọoc chà vá chân nâu quý hiếm. Ảnh: LÊ PHƯỚC CHÍN
Về kiến nghị chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan, giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách, hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm, UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định: Quy hoạch Khu Du lịch quốc gia  Sơn Trà với nhiều chức năng: tham quan, vui chơi giải trí, lưu trú, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học, bảo tồn thiên nhiên... tạo nên sự đa dạng, hấp dẫn. Do đó, vẫn đảm bảo yếu tố bảo tồn thiên nhiên nếu có các giải pháp tốt về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng và xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ. Việc hạn chế phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm có thể hạn chế được bằng nhiều giải pháp tổ chức quản lý.

Cũng tại văn bản này, UBND TP Đà Nẵng ghi nhận kiến nghị của ông Vinh về việc hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp núi Sơn Trà. Ông Vinh cho rằng việc triển khai các dự án có thể sẽ làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội của dân cư. UBND TP Đà Nẵng cũng khẳng định trong quá trình triển khai quy hoạch chung xây dựng khu vực bán đảo Sơn Trà sẽ nghiên cứu lồng ghép một cách phù hợp…

Liên quan tới quy hoạch khu du lịch quốc gia nào phải đối diện với tình trạng giống như Sơn Trà, chia sẻ với SGGP,  Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Chính phủ phê duyệt năm 2013 có 47 khu du lịch quốc gia. Đến nay đã có 10 khu du lịch quốc gia được phê duyệt quy hoạch tổng thể, 1 khu du lịch quốc gia đang trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, 5 khu du lịch quốc gia đang được lập quy hoạch tổng thể. Tuy nhiên, Sơn Trà là trường hợp đầu tiên phải đối mặt với những tình trạng phức tạp như hiện nay.”

Bộ đề nghị xử lý ông Vinh vì phát ngôn về Sơn Trà ảnh 2 "Chính quyền Đà Nẵng có thể sẽ vất vả khi đối mặt với việc phải đi giải quyết những hệ quả pháp lý với các nhà đầu tư, kiểm soát các dự án đầu tư và bảo vệ môi trường" -  theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch  
“Việc ông Huỳnh Tấn Vinh nêu ra rất thú vị và làm cho mọi việc công khai, minh bạch hơn. Nếu không có quy hoạch này thì Sơn Trà sẽ như thế nào? Khi đó, các dự án vẫn lặng lẽ làm, không ai cản trở được", theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn

Song theo ông Tuấn, những vướng mắc tại quy hoạch này sẽ tạo ra một tiền lệ rất hay để chính quyền địa phương các cấp, các nhà quản lý và các nhà hoạch định chính sách nghiên cứu, tư vấn và đưa ra những giải pháp tốt nhất để phát triển.

“Việc ông Huỳnh Tấn Vinh nêu ra rất thú vị và làm cho mọi việc công khai, minh bạch hơn. Nếu không có quy hoạch này thì Sơn Trà sẽ như thế nào? Khi đó, các dự án vẫn lặng lẽ làm, không ai cản trở được. Về mặt pháp lý, Đà Nẵng không sai khi cấp phép các dự án đó (trước khi có quy hoạch, không có quy định hay hành lang pháp lý nào hạn chế việc đầu tư vào Sơn Trà). Các chủ đầu tư cũng không sai vì họ đã được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc cấp phép. Vấn đề này tôi nghĩ phải xem xét thực tế một cách khách quan, khoa học và có tình, có lý chứ không thể nói rằng phải làm như thế này, phải làm như thế kia… là được”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cho rằng: "Chính quyền Đà Nẵng có thể sẽ vất vả khi đối mặt với việc phải đi giải quyết những hệ quả pháp lý với các nhà đầu tư, kiểm soát các dự án đầu tư và bảo vệ môi trường. Chúng tôi, đứng ở góc độ của nhà quản lý, cũng thấy vấn đề này rất thú vị và mọi việc đương nhiên rất cần công khai, minh bạch; những đóng góp xây dựng, nhìn nhận vấn đề cần tỉnh táo, trầm tĩnh. Đây là bài học không phải chỉ cho Đà Nẵng".

Tin cùng chuyên mục