Bỏ cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức

Chiều 24-5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức (CBCC) và Luật Viên chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định

Viên chức được tuyển dụng mới sẽ ký kết hợp đồng xác định thời hạn

Theo đó, dự luật nêu rõ chủ trương không thực hiện chế độ công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước). Bỏ nội dung giao Chính phủ quy định việc áp dụng Luật CBCC đối với người lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước để thể chế hóa chủ trương tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức.

Không quy định Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức kỳ thi nâng ngạch công chức mà giao Chính phủ quy định chi tiết về thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét nâng ngạch công chức phù hợp với phân cấp quản lý công chức trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới kể từ ngày Luật có hiệu lực.

Về thu hút nhân tài, dự thảo sửa đổi, giao Chính phủ quy định chi tiết khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài. Trên cơ sở quy định khung của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương quy định cụ thể phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa phương mình.

Về cải cách tiền lương, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về ngạch công chức khác để bảo đảm phù hợp định hướng sửa đổi tiền lương trong thời gian tới. Bổ sung quy định về xét nâng ngạch công chức tại Điều 44 Luật CBCC, đồng thời bổ sung quy định công chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét nâng ngạch công chức được bổ nhiệm vào ngạch công chức cao hơn và bố trí vào vị trí việc làm tương ứng .

Về bổ nhiệm lại, giải quyết nghỉ hưu đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật, sửa đổi khoản 2 Điều 82 Luật CBCC và khoản 2, khoản 3 Điều 56 Luật Viên chức để giải quyết vướng mắc trong quá trình xem xét, bổ nhiệm lại đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo bị xử lý kỷ luật nhưng chưa đến mức bị cách chức; giải quyết chế độ nghỉ hưu đối với công chức đang trong thời gian xem xét kỷ luật .

Về đơn phương chấm dứt hợp đồng và chế độ đối với viên chức thôi việc trong một số trường hợp, bổ sung quy định đơn vị sự nghiệp công lập được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức trong trường hợp viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự tại Điều 29 Luật Viên chức.

Về không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào 2 phương án. Phương án 1, không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật giáng chức, bởi vì việc quy định đồng thời 2 hình thức kỷ luật “giáng chức” và “cách chức” áp dụng đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý dễ dẫn đến tình trạng nể nang, chỉ áp dụng hình thức “giáng chức” thay vì phải áp dụng hình thức “cách chức”. Hơn nữa, quy định về hình thức kỷ luật giáng chức là không phù hợp với việc bố trí công chức theo vị trí việc làm. Bởi vì, hình thức “giáng chức” thực chất là bổ nhiệm vào chức vụ thấp hơn, trong khi đó tại vị trí được bổ nhiệm đã xác định đủ số lượng lãnh đạo, quản lý.

Vì vậy, để bảo đảm tính nghiêm minh, sự nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý, tránh tình trạng lợi dụng quy định để xử lý kỷ luật ở mức độ nhẹ hơn thì không nên tiếp tục quy định hình thức kỷ luật "giáng chức". Phương án 2, giữ hình thức kỷ luật "giáng chức" như Luật CBCC hiện hành vì cho rằng quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao. Việc bỏ đi một hình thức kỷ luật sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý. Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội theo phương án không tiếp tục quy định hình thức kỷ luật "giáng chức" (phương án 1).

Về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, qua tổng hợp, ý kiến các bộ ngành, địa phương đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác. Chính phủ nhận đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên quá trình thực hiện có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Phạm pháp trong thời gian công tác, cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn bị kỷ luật

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra dự án này cho hay, Ủy ban Pháp luật tán thành với Chính phủ về việc bổ sung trong dự thảo Luật quy định nguyên tắc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác. Tuy nhiên, đề nghị tách nội dung này (hiện đang được bổ sung vào Điều 84) thành điều riêng để thể hiện rõ hơn vấn đề này và nghiên cứu quy định về các hình thức xử lý kỷ luật phải bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cá nhân về vật chất, tinh thần mà người có hành vi vi phạm đã được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu để có tính răn đe, thuyết phục cao hơn.

Về hình thức kỷ luật “giáng chức”, Ủy ban Pháp luật tán thành phương án 2 tiếp tục giữ quy định về hình thức kỷ luật “giáng chức”, vì về mặt pháp lý quy định hình thức xử lý kỷ luật “giáng chức” đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là cần thiết, mang tính răn đe cao và thực tế thời gian qua căn cứ vào quy định này của Luật Cán bộ, công chức hình thức kỷ luật “giáng chức” cũng đã được áp dụng.

Về thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới, đa số ý kiến tán thành phương án 1, đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi dự thảo Luật có hiệu lực sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn, không ký hợp đồng không xác định thời hạn (kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2). Phương án này bảo đảm bám sát yêu cầu và thể chế hóa được nội dung của nghị quyết Trung ương, tạo sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm; đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng ký hợp đồng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục