Bộ “chính sách vàng” thúc đẩy ĐBSCL phát triển

Ngày 26-11, tại TP Cần Thơ, Bộ KH-ĐT phối hợp Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức hội nghị “Báo cáo và tham vấn quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, với sự tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, cùng lãnh đạo bộ ngành trung ương, các tỉnh ĐBSCL… Đây là hội nghị quan trọng nhằm đề xuất ý tưởng, giải pháp, định hướng phát triển thịnh vượng cho toàn vùng. 

5 nội dung quy hoạch 

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được thực hiện theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Trong quá trình xây dựng quy hoạch đã nhận được sự tham gia ngay từ đầu của các địa phương trong vùng với tư cách là cấp triển khai thực hiện, chịu sự tác động trực tiếp và hưởng lợi từ quy hoạch. Đây là điều cần thiết để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, tháo gỡ nút thắt, hướng tới sự kết nối giữa quy hoạch vùng và quy hoạch của tỉnh một cách đồng bộ. 

Tại hội nghị này, ý kiến đóng góp của các đại biểu có tính chiến lược ở ĐBSCL với tầm nhìn đến năm 2050, sẽ giúp Bộ KH-ĐT cùng đơn vị tư vấn hoàn thiện dự thảo quy hoạch, trước khi xin ý kiến chính thức bằng văn bản các bộ ngành và địa phương, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thẩm định, phê duyệt vào tháng 12-2020. 

Bộ “chính sách vàng” thúc đẩy ĐBSCL phát triển ảnh 1 Lãnh đạo Bộ KH-ĐT trao đổi với các chuyên gia bên lề hội thảo 
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSCL đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đổi khí hậu, các hoạt động ở thượng nguồn châu thổ, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, mất cân bằng sinh thái…

Song, ĐBSCL có những lợi thế và cơ hội phát triển như: nằm ở trung tâm khu vực ASEAN, có lợi thế phát triển kinh tế biển, biên mậu, giao thương quốc tế.

Nguồn nhân lực còn rất nhiều dư địa để phát triển và cải thiện chất lượng. Nông nghiệp của vùng đang nắm giữ nhiều sản phẩm ưa chuộng trên thị trường thế giới (như nông sản hữu cơ, tôm, cá tra, trái cây, lúa gạo); có lợi thế đặc biệt về nguồn năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh khối.

ĐBSCL đang nắm giữ cơ hội lớn trong thu hút các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, khi đang có sự dịch chuyển đầu tư mạnh từ nơi cạn kiệt cơ hội, nơi cạnh tranh khốc liệt và giá đầu vào đắt đỏ sang khu vực có nhiều tiềm năng chưa được khai thác. 

Trên tinh thần đó, quy hoạch ĐBSCL tới đây, xoay quanh 5 nội dung cơ bản. Cụ thể, phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, là quan điểm chủ đạo của quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương. Quan điểm xuyên suốt trong cả giai đoạn tầm nhìn của quy hoạch, lấy yếu tố con người làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển; lấy thích ứng với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển phổ biến; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhằm biến thách thức thành cơ hội; không coi biến đổi khí hậu là thách thức mà phải thích ứng để phát triển.

" ĐBSCL không thể phát triển nhanh, bền vững nếu chỉ đi một mình; do vậy, tăng cường liên kết là một quan điểm mang tính tất yếu, khách quan của quy hoạch. Đầu tư là giải pháp tối quan trọng, trong đó, phát triển hạ tầng phải đi trước một bước để tạo nền tảng cho sự tăng trưởng nhanh, ổn định "
                        Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng

Ưu tiên hạ tầng giao thông 

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, nhìn nhận, quy hoạch lần này hết sức cần thiết nhằm tránh sự trùng lắp giữa các tỉnh, tránh tình trạng sản xuất hàng hóa đồng loạt giữa các nơi dẫn tới cung vượt cầu như lâu nay.

Trong 5 nội dung quy hoạch thì nên ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL, giao thông phải đi trước nhằm tạo động lực phát triển. Vấn đề này nên ưu tiên cho đường cao tốc. Ngoài tuyến cao tốc chính từ TPHCM đi Cần Thơ và Cà Mau, thì nên xem xét đầu tư sớm tuyến cao tốc từ Châu Đốc (An Giang) đi cảng Trần Đề (Sóc Trăng) nhằm thúc đẩy các địa phương như An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, TP Cần Thơ… phát triển hơn nữa. Bên cạnh đó, đầu tư thêm tuyến đường trọng điểm ven biển ĐBSCL nhằm thúc đẩy các ngành quan trọng ở khu vực này như thủy sản, năng lượng tái tạo… bứt phá. 

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề xuất: “ĐBSCL trong quá khứ, hiện tại và tương lai cơ bản vẫn dựa trên nền tảng kinh tế nông nghiệp và chế biến nông sản. Tới đây, trên cơ sở phân vùng sinh thái nông nghiệp (mặn, ngọt, lợ) thì trong quy hoạch vùng cần nhấn mạnh ưu thế từng khu vực để phân bổ không gian sản xuất hợp lý, tập trung đầu tư mô hình cụm, chuỗi, trung tâm đầu mối… để tránh xung đột giữa địa phương và ngành”.

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần nhanh chóng nâng cấp chất lượng sản phẩm nông nghiệp thay vì chạy theo lối mòn truyền thống; đa dạng hóa sang thị trường khó tính thay vì bằng lòng với thị trường dễ dãi. Tới đây, chuyển đổi thứ bậc ưu tiên từ lúa gạo - thủy sản - trái cây sang thủy sản - trái cây - lúa gạo. Từ cách làm đó, chúng ta sẽ phát triển nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, thay cho sản xuất nông nghiệp truyền thống…

Tin cùng chuyên mục