Bình tĩnh vượt qua dịch bệnh

Hôm qua 30-5, mọi thông tin, bàn bạc, đề xuất biện pháp chống “giặc Covid-19” từ trong phòng họp trụ sở UBND TPHCM đều được người dân quan tâm, theo dõi qua các phương tiện truyền thông, báo chí. 

Hầu hết mọi người đều đồng tình với đề xuất của các sở ban ngành, đến chỉ đạo gút lại của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cũng như yêu cầu “Thành phố chấp nhận hy sinh 2 tuần để bảo vệ lợi ích lâu dài” của đồng chí Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Người dân TPHCM nhận thức rõ, đây không phải là biện pháp tức thời, áp chế từ mệnh lệnh hành chính, mà là kinh nghiệm từ một quá trình lâu dài chống dịch của cả hệ thống. Từ khi đợt dịch thứ 4 xảy ra (ngày 26-4), chúng ta đã từng bước siết chặt vòng tuyến, từ cấm tụ tập hàng quán trên 30 người, đến trên 20 người, 10 người, rồi hôm nay là trên 5 người và thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 “cộng”.

Đợt dịch này nguy hiểm hơn, có khả năng lây lan rộng hơn, nhưng như yêu cầu đồng chí Bí thư Thành ủy: chúng ta bình tĩnh, đoàn kết, quyết tâm, tập trung toàn lực để chống dịch hiệu quả.

Cũng như đợt dịch trước, khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, người dân lo lắng cho sinh kế, sinh hoạt gia đình bị ảnh hưởng trong thời gian dài nên ùn ùn mua thực phẩm tích trữ dài ngày, đợt này bà con cũng vậy.

Hôm qua, thông tin quận Gò Vấp và một phường thuộc quận 12 bị phong tỏa, giãn cách khiến các siêu thị ở Gò Vấp và lân cận đông kín người xếp hàng mua sắm, các kệ thực phẩm bỗng chốc trống trơn.

Các siêu thị không kịp cung cấp hàng hóa, phải hẹn khách giao hàng trong 2-3 ngày tới. Áp lực lo lắng của người dân gây không ít rối loạn cho chuỗi cung ứng thực phẩm ở các siêu thị, cửa hàng. Điều này thật sự không cần thiết, vì các đơn vị cung ứng thực phẩm có thể đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố trong nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Chúng ta có niềm tin chiến thắng dịch bệnh khi mỗi cá nhân đều có ý thức phòng bệnh và niềm tin vào lực lượng y tế với những chiến binh không biết mệt mỏi, đang đi vào tâm dịch.

Hình ảnh hàng trăm sinh viên y học dân tộc Bộ Công an tươi cười đi vào tâm dịch Bắc Giang; bác sĩ trẻ cạo đầu chống dịch; hàng trăm sinh viên ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch khoác bộ quần áo bảo hộ cả ngày lẫn đêm để lấy mẫu xét nghiệm “thần tốc” cho hàng chục ngàn người mấy ngày qua… khiến cộng đồng ấm lòng, xúc động.

Vẫn còn hàng trăm, hàng ngàn con người đang hy sinh thân mình, sức lực để chúng ta có sức khỏe, tiếp tục học tập, làm việc, cống hiến cho sự phát triển chung của thành phố.

Giãn cách xã hội để người hạn chế với người, tránh tụ tập đông người, tránh tạo môi trường lây lan virus, lây lan dịch bệnh và tạo điều kiện cho lực lượng y tế dễ khoanh vùng, truy vết và dập dịch hiệu quả.

Hai tuần đối với TPHCM rất dài, nhưng chúng ta không có cách nào khác, chúng ta phải chọn cách ít xấu nhất… Cách ly và giãn cách để chúng ta tầm soát và mở rộng có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những nơi buộc phải hoạt động liên tục như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Thành phố cũng sẽ hoãn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (đáng lẽ tổ chức ngày 2 và 3-6) đến sau 2 tuần, hoặc có thể 1 tháng sau mới tổ chức thi lại… Những biện pháp mà lãnh đạo thành phố đề ra là tâm huyết, mong mỏi mọi người và cả hệ thống chính trị thực hiện tốt.

Trong lúc vaccine còn khan hiếm, nguồn cung còn hạn chế, còn ưu tiên cho các tâm điểm dịch, không có biện pháp nào tốt hơn bằng biện pháp 5K của Bộ Y tế. Và điều tốt hơn cả là mọi người phải bình tĩnh, hiểu đúng để cùng nhau vượt qua cuộc chiến khốc liệt này.

Tin cùng chuyên mục