Bình thường hay bất thường?

Sau khi Báo SGGP phản ánh những “lùm xùm” tại Trường Đại học Luật TPHCM, Bộ GD-ĐT vào cuộc thanh tra và ngày 30-9 kết luận thanh tra được công bố.

Cán bộ, giảng viên chưa kịp phấn khởi vì “nội tình” nhà trường được làm rõ, minh bạch, thì lại hoang mang hơn khi những điều “bất thường” lại được thanh tra kết luận rất “bình thường”, sai phạm nghiêm trọng được kết luận như không có gì.  

Bình thường hay bất thường? ảnh 1
Kết luận thanh tra không làm rõ sai phạm trong việc thu, chi, quản lý và sử dụng tiền học phí, tiền học lại (gọi tắt là học phí) của sinh viên hệ vừa làm vừa học (VLVH), học bổ sung hoàn thiện kiến thức (hệ VLVH, văn bằng 2 chính quy, sau trúng tuyển cao học) với số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Tuy khẳng định tổng số tiền học phí của các năm 2014-2017 chênh lệch với dữ liệu trên phần mềm quản lý học phí đã được ghi nhận trong sổ sách kế toán là hơn 29 tỷ đồng, nhưng kết luận thanh tra cho rằng việc này là do “trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời” vào từng năm tài chính.

Kết luận này hoàn toàn trái ngược với Kết luận số 1045/KL-BGDĐT ngày 29-12-2017 của Bộ GD-ĐT về việc giải quyết tố cáo đối với bà Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng nhà trường thời điểm đó, khi cho rằng học phí những năm nói trên thể hiện đầy đủ trên sổ chi tiết trong tài khoản. 

Tại sao số tiền trên 29 tỷ đồng này lại không được quyết toán hàng năm mà sau khi bị tố cáo thì trường mới đề nghị quyết toán vào năm tài chính 2018 (!?). Điều này thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng về tài chính của kế toán và chủ tài khoản của trường, nhưng không hiểu vì sao Thanh tra Bộ GD-ĐT năm 2017 không phát hiện.

Tuy nhiên, thay vì kết luận có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì kết luận thanh tra lại “lập lờ đánh lận con đen” bằng những ngôn từ nhẹ nhàng “trường hạch toán chưa đầy đủ, kịp thời” để dung túng, bao che cho sai phạm của những người có liên quan, mà cụ thể là thủ quỹ, kế toán trưởng và chủ tài khoản.

Hiệu trưởng Mai Hồng Quỳ đã nghỉ hưu từ tháng 8-2018 nên không còn chức vụ để ký hợp thức hóa hơn 29 tỷ đồng, còn chủ tài khoản mới của trường hiện nay thì chưa dám ký để hợp thức hóa sai phạm cho người tiền nhiệm.

Tuy nhiên, kết luận thanh tra đã góp phần “tháo gỡ” nút thắt này, bằng cách đồng tình với báo cáo gian dối về tài chính nhà trường trong việc “đề nghị quyết toán khoản kinh phí đã chi” từ năm 2014-2017 vào năm 2018 với số tiền 24,1 tỷ đồng (nằm trong số tiền hơn 29 tỷ đồng). Trong khi, “các khoản đã chi” thì thanh tra lại không làm rõ.

Kết luận thanh tra xác định bà Mai Quốc Thu Trang lập tài khoản riêng để thu 5 khoản tiền của nhà trường từ các đơn vị, cá nhân chuyển vào, tổng cộng là hơn 26,3 tỷ đồng, các khoản tiền mặt của trường là hơn 15,1 tỷ đồng. Việc sử dụng tài khoản cá nhân để thu chi suốt 5 năm mà lãnh đạo nhà trường và kế toán trưởng không hay biết là chuyện rất khó tin.

Nhưng càng khó tin hơn nữa là kết luận kiểm toán, kết luận thanh tra trước đó cũng không hề phát hiện số tiền “rất khủng” của nhà trường đã bí mật để ngoài sổ sách rồi chuyển đến tài khoản của cá nhân thủ quỹ. Có lẽ chuyện này bình thường với thanh tra Bộ GD-ĐT nhưng rất bất thường với pháp luật.

Tin cùng chuyên mục