Bình Định: Dời dự án nhà máy thép, cảng biển 63.500 tỷ đồng

Sau nhiều năm nghiên cứu, khảo sát và lấy ý kiến người dân để thực hiện dự án nhà máy thép Long Sơn kết hợp cảng biển với tổng vốn trên 60.000 tỷ đồng, UBND tỉnh Bình Định thống nhất “dời” 2 công trình này ra ven biển Lộ Diêu (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định).

Ngày 15-11, UBND tỉnh Bình Định đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Gang thép Long Sơn Phù Mỹ đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn).

Theo dự kiến, Khu liên hợp Gang thép Long Sơn xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn 53.500 tỷ đồng. Dự án chia làm 3 giai đoạn đầu tư, công suất 5,4 triệu tấn/năm, bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn…

Bình Định: Dời dự án nhà máy thép, cảng biển 63.500 tỷ đồng ảnh 1 Phối cảnh dự án. Ảnh: Binhdinhinvest
Đồng thời, nhà đầu tư cũng đang nghiên cứu đầu tư Khu bến cảng Hoài Nhơn, trên tổng diện tích khoảng 496,9ha mặt đất và mặt biển. Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, hướng đến cảng tổng hợp. Tổng vốn đầu tư cảng biển khoảng 10.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Định, 2 dự án trên khi đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, đóng góp tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Định và khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên. Hai dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho 5.000 – 7.500 lao động.

Trong hồ sơ, bước đầu dự án có nhu cầu tuyển dụng gần 3.000 lao động. Doanh nghiệp cam kết sẽ đào tạo, tuyển dụng lao động là thuyền viên tàu biển vào nhà máy, trong các lĩnh vực: cơ khí, điện, tự động hóa, luyện kim, vận hành thiết bị cảng, lái xe, lái máy công trình, kế toán, quản trị, bảo vệ… Doanh nghiệp hứa hẹn sẽ có những chính sách hỗ trợ người dân nghèo, dân sinh, giáo dục…

Khu vực ven biển Hoài Mỹ, Hoài Nhơn (Bình Định). Ảnh: DŨNG NHÂN
Dự án từng gặp phản đối

Được biết, dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Phù Mỹ trước đó được Bình Định cho khảo sát, nghiên cứu triển khai ở ven biển các xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định). Ban đầu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư (tháng 11-2021), dự án có công suất 5,4 triệu tấn thép/năm, tổng vốn 56.257 tỷ đồng. Dự kiến diện tích thực hiện 499,6ha.

Trước đó, tháng 7-2020, UBND tỉnh có tờ trình gửi Bộ NN-PTNT, Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án.

Ngày 9-8-2022, UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ NN-PTNT giải trình ý kiến thẩm định hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án. Theo đó, diện tích, vị trí và kết quả điều tra rừng khu vực đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng rừng là 424,82ha tại tiểu khu 150, xã Mỹ An và tiểu khu 162 xã Mỹ Thọ. Trong đó, trên 288ha đất rừng quy hoạch phòng hộ, trên 136ha rừng khác.

Tuy nhiên, quá trình khảo sát lập dự án thì gặp nhiều ý kiến phản biện, phản ứng từ người dân lo ngại về nhà máy thép và việc đánh đổi quá nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh này có công văn gửi Bộ NN-PTNT đề nghị tạm dừng chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, để thực hiện dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn Phù Mỹ.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, lý do tạm dừng chủ trương chuyển mục đích rừng là do phía Công ty CP Gang thép Long Sơn có văn bản xin khảo sát thêm 1 số vị trí để lựa chọn địa điểm tối ưu triển khai dự án.

Như vậy, việc lựa chọn thực hiện dự án ở ven biển Lộ Diêu là bước dời dự án sau hơn 3 năm khảo sát, chấp thuận và lựa chọn vị trí đầu tư. Dự án sau khi được chuyển dời ra ven biển Lộ Diêu thì phải làm lại các thủ tục, hồ sơ và lập lại dự án…

Yêu cầu không ảnh hưởng môi trường

Trong quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu (xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn), UBND tỉnh Bình Định yêu cầu dự án cam kết không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển và không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, đời sống người dân. Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; có biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đầu tư các hạng mục công trình xử lý chất thải đồng bộ, bố trí phân khu hợp lý để không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Trong quá trình triển khai dự án cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp; triển khai chương trình an sinh xã hội theo nội dung đã cam kết; ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương để góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống nhân dân trong vùng.

Tin cùng chuyên mục