Bình Định: Cần thận trọng khi làm bức phù điêu tạc vào vách núi

Tỉnh Bình Định đang dự tính xây dựng 1 bức phù điêu tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, ngay trung tâm TP Quy Nhơn với số vốn khoảng 86 tỷ đồng, song đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia, cựu lãnh đạo, dư luận người dân…

Ngày 13-9, một nguồn tin cho biết, Thường trực Tỉnh ủy Bình Định vừa tổ chức gặp mặt các cựu lãnh đạo tỉnh này để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng về việc địa phương này chuẩn bị xây dựng công trình phù điêu tạc vào vách núi tự nhiên, chủ đề “Lạc Long Quân – Âu Cơ”, tại đường Võ Nguyên Giáp (TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định).

Phối cảnh phù điêu "lạ" tạc thẳng vào vách núi Bà Hỏa, TP Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định cho biết, bức phù điêu “Lạc Long Quân – Âu Cơ” sẽ được tạc thành 3 lớp, khắc họa hình tượng Lạc Long Quân – Âu Cơ, 18 vị vua Hùng và các nhân vật đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam (mỗi dân tộc khắc họa 1 nam và 1 nữ)...

Hồi đầu tháng 8-2019, Sở VH-TT tỉnh Bình Định thông tin về dự án này với báo chí. Theo đó, để khảo sát tính khả thi của dự án, đơn vị đã thuê Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ đến khoan cắt, thăm dò, khảo sát núi Bà Hỏa (TP Quy Nhơn).

Kết quả thăm dò cho thấy, đá ở núi Bà Hỏa là đá liền khối, đủ điều kiện để điêu khắc, tạc thẳng phù điêu “Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” vào núi.

Qua đó, đơn vị khảo sát đã lên phương án cắt sâu vào vách núi này 20-25m, rộng 2.500m2 để tạo dựng mặt cắt của bức phù điêu, rồi khắc họa chủ đề vào vách núi tự nhiên…

Theo UBND tỉnh Bình Định, kinh phí thực hiện dự án khoảng 86 tỷ đồng (hơn 34 tỷ đồng từ ngân sách, trên 51 tỷ đồng kêu gọi xã hội hóa), thời gian thực hiện từ 2020-2022.

Vị trí thực hiện phù điêu vách núi “Lạc Long Quân – Âu Cơ”

Tuy nhiên, nhiều ý kiến giới chuyên gia, cựu lãnh đạo tỉnh Bình Định lại tỏ ra lo lắng với cách xây dựng bức phù điêu vách núi này. Các ý kiến cho rằng, chủ đề bức phù điêu rất rườm rà, rối rắm, phân tán, dồn nén các hình tượng, thiếu khoa học.

Về phương án thực hiện, nhiều ý kiến lo ngại về lâu dài sườn núi sẽ phát triển, biến dạng phát sinh sạt lở khiến bức phù điêu xuống cấp thậm chí đổ vỡ, gây lãng phí ngân sách, tiền của…

Ông Vũ Hoàng Hà, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định nêu quan điểm, đối với dự án này, địa phương cần tính toán sử dụng tối đa nguồn kinh phí từ nguồn xã hội hóa nên hạn chế sử dụng tiền ngân sách.

Theo ông Hà, trước khi thực hiện dự án, chính quyền cần công khai triển lãm phương án thực hiện dự án,... để lấy ý kiến thống nhất từ người dân, giới chuyên môn; đặc biệt là chuyên gia địa chất, khoáng sản.

“Một khi lãnh đạo tỉnh đã quyết tâm làm thì phải làm cho chất lượng và đặc sắc, chứ không phải làm theo kiểu tư duy nhiệm kỳ. Nếu sau này công trình có vấn đề, chất lượng không tốt, không đảm bảo hoặc đổ bể thì sẽ rất khó ăn nói với người dân…”, ông Hà nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục