Kết quả cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí "Người tốt - Việc tốt" (2019-2020)

Bình dị mà phi thường

Ngày 19-6, Báo SGGP tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2020); trao giải Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí “Người tốt - Việc tốt” (2019-2020) và lễ phát động cuộc thi năm 2020-2021.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung và Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà trao giải nhất cho tác giả Dương Minh Anh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung và Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Thu Hà trao giải nhất cho tác giả Dương Minh Anh. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT-TT, Giám đốc Trung tâm Báo chí TPHCM...

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

Đó là chia sẻ của chị Năm Hà (đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TPHCM). Từng đảm nhận vị trí lãnh đạo ở TPHCM, khi về hưu, mọi thứ ở chị vẫn toát lên nét dung dị, gần gũi. Chị cần mẫn làm tròn tâm nguyện của chồng (nhà báo Võ Hồng Sơn, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo SGGP) san sẻ và yêu thương như một trách nhiệm với cuộc sống xung quanh, nhất là với quê chồng, mảnh đất Quảng Ngãi chịu nhiều tổn thất do hậu quả nặng nề của chiến tranh.

Mỗi năm, hàng trăm trẻ được dạy học chữ, học nghề từ đây, nhưng khi nói về việc làm của mình, chị chỉ nhận 2 từ “nhỏ bé”, mọi lời tán dương xin dành cho những thầy cô giáo, bảo mẫu đang làm việc tại trường. Chị Năm chia sẻ: “Phần tôi cũng chỉ là một đóng góp nhỏ bé, các thầy cô giáo, nhất là những cô bảo mẫu rất vất vả. Các em yếu tay khi ăn, hay cầm kim, cầm bút, các cô đều chăm từng chút một. Có những cháu tăng động, các cô bảo mẫu gần như không rời nửa bước, bên cạnh 24/24 giờ và buổi tối phải ngủ cùng để trông các cháu”.

Bình dị mà phi thường ảnh 1 Nguyên Phó Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ trong buổi giao lưu tại lễ trao giải. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nói về bài viết của mình về chị Năm, tác giả Dương Minh Anh tâm sự: “Lợi thế của tôi là đã quá thân quen với chị Năm, nhưng chính lợi thế đó cũng là bất lợi, bởi trong vườn hoa việc tốt, mình phải chọn ra một nhân vật để viết thì rất khó”.

Và cũng như chia sẻ của tác giả Minh Anh, trong vườn hoa người tốt, việc tốt đó, chị Năm luôn nhận phần đóng góp của mình nhỏ bé, chị nhắc nhiều đến những mạnh thường quân đã cùng đồng hành với Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Võ Hồng Sơn ở Quảng Ngãi. 

Cũng trong khuôn khổ buổi giao lưu với những tác giả, nhân vật điển hình, nhà văn Trầm Hương chia sẻ câu chuyện của người lính phía sau cuộc chiến, những điều xúc động mà trong khuôn khổ bài báo chị chưa kịp thể hiện hết.

Đến dự một “đám giỗ biệt động” ở nhà chị Sáu Tý (nhân vật trong bài viết Sống thay cho những người nằm xuống, tác giả Trầm Hương), bàn thờ nghi ngút khói hương với di ảnh những chiến sĩ, bà mẹ Việt Nam, len lỏi trong lòng tác giả một chút tự trách: “Tới nhà chị rồi tôi mới hiểu, đôi khi mình nhìn mọi thứ còn hời hợt quá. Đúng là có hiểu thì mới có thương; có tới dự đám giỗ ở nhà chị tôi mới hiểu hết một gia đình biệt động, đó cũng là động lực để thôi thúc tôi đặt ngòi bút của mình theo những suy tư, trăn trở của chị Sáu Tý”.

Câu chuyện về những lần chị Sáu Tý đi tìm đồng đội với tâm nguyện “những người ngã xuống vì Tổ quốc không thể nào vô danh”, qua chia sẻ của nhà văn Trầm Hương thật xúc động: “Chị Sáu Tý luôn tâm niệm ơn người giọt nước, trả người dòng sông vì thế mà chị cứ đi tìm những đồng đội cũ, người mất thì phải có tên, người còn thì phải được chăm lo, phụng dưỡng. Có lẽ đó cũng là điều mà thế hệ hôm nay phải cúi đầu trước người phụ nữ anh dũng trong chiến tranh và vẹn nghĩa tình trong thời bình”.

Kết quả Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí “Người tốt - Việc tốt” (2019-2020)

Giải nhất: Tác giả Dương Minh Anh (tác phẩm Mẹ của em ở trường);

Giải nhì: Bích Quyên (tác phẩm Nữ thủ lĩnh của các chiến binh thầm lặng), Văn Công Hùng (tác phẩm Chuyện về Lữ Hồng);

Giải ba: Trần Lưu (tác phẩm Trọn tình với quê hương), Trầm Hương (tác phẩm Sống thay cho những người nằm xuống), Mai An (tác phẩm Giấc mơ của tiến sĩ Nano);

Bình dị mà phi thường ảnh 2 Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh và Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Tấn Phong trao giải cho các tác giả đoạt giải nhì. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bình dị mà phi thường ảnh 3 Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Văn Tuấn và Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Uỷ viên Thường vụ Hội Nhà báo TPHCM, nguyên Phó Tổng Biên Tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến trao giải ba cho các tác giả. Ảnh: VIỆT DŨNG
Bình dị mà phi thường ảnh 4 Phó Giám đốc Sở TT-TT Từ Lương và Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Nguyễn Nhật trao giải khuyến khích cho các tác giả. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giải khuyến khích: Sáu Nghệ (tác phẩm Nữ tiến sĩ màu xanh lá cây), Văn Ngọc (tác phẩm Bảo vật của núi rừng Bác Ái), Ngọc Oai (tác phẩm Việc nghĩa của Tèo Sụi), Kim Loan (tác phẩm Vườn xuân của hy vọng), Võ Minh Huy (tác phẩm 1,3 tỷ đồng của Tròn), Tiểu Tân (tác phẩm Chuyện của anh Phong Sida), Thanh Nguyên (tác phẩm Hai lần hiến đất của Giàng A Chu), Thu Tâm (tác phẩm Thầy giáo ve chai), Mạnh Hào (tác phẩm Tôi chèo về quê hương), Thái Phương (tác phẩm Mắc nợ người dưng).

Báo chí đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội

Phát biểu tại lễ trao giải, đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, hoan nghênh Báo SGGP tổ chức Cuộc thi phóng sự - ký sự “Người tốt - Việc tốt” năm 2019-2020, với ý nghĩa nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt, việc tốt, các nhân tố mới trên các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, những hoạt động, nghĩa cử cao đẹp, đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.

Bình dị mà phi thường ảnh 5 Phó Bí Thư Thành uỷ TPHCM Võ Thị Dung phát biểu tại Lễ trao giải Cuộc thi Phóng sự-Ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt 2019-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Võ Thị Dung nhấn mạnh, những năm qua, TPHCM đã tạo nhiều điều kiện, cơ chế để báo chí TP phát triển, thực hiện cả 2 chức năng là cơ quan ngôn luận của TP và là diễn đàn của nhân dân thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ TPHCM, sự ủng hộ đón nhận của nhân dân TP, báo chí cách mạng TPHCM đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản sắc báo chí Sài Gòn - Gia Định - TPHCM. Đó là giàu tính chiến đấu, tính phản biện và cũng rất nhân văn, luôn sáng tạo, nỗ lực vượt khó, vượt khỏi những khuôn khổ xưa cũ để đáp ứng nhu cầu phát triển. 

Với Báo SGGP, đồng chí nhắn nhủ: Tôi tin rằng đội ngũ nhà báo của Báo SGGP hôm nay, bằng tình cảm, lương tâm, trách nhiệm với sự nghiệp báo chí cách mạng, nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội, sẽ tiếp nối được truyền thống của các thế hệ đi trước, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước, xây dựng thành phố tiếp tục là đầu tàu, vì cả nước, cùng cả nước.

Phát động Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí: “Người tốt - Việc tốt” (2020-2021)

°Đối tượng và tác phẩm dự thi:

Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt và ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin cá nhân, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ trên phương tiện truyền thông nào. Ban tổ chức không chịu trách nhiệm về bất cứ tranh chấp nào liên quan đến bản quyền, tính chân thật, các khiếu nại những nhân vật liên quan trong tác phẩm. Trường hợp ban tổ chức phát hiện sai phạm sẽ thu hồi nhuận bút, giải thưởng. Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo, hình ảnh tác phẩm gửi dự thi. Ban tổ chức cuộc thi được phép sử dụng các tác phẩm dự thi để phục vụ cho công tác quảng bá, tuyên truyền, hoặc in sách sau cuộc thi.

Các tác phẩm dự thi sẽ được chọn, biên tập và đăng tải trên Báo SGGP và được trả nhuận bút theo quy định của Báo SGGP.  

°Giải thưởng:

-1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng.

-2 Giải nhì: mỗi giải 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 20 triệu đồng.

-3 Giải ba: mỗi giải 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng.

-10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon.  

°Thời gian:  

-Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 19-6-2020 đến ngày 31-5-2021. Tác phẩm dự thi gửi tới Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn. 

-Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2021).

Tin cùng chuyên mục