Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh Vi Kiến Thành:

Bình đẳng khi đánh giá về ảnh nude

Lần đầu tiên một triển lãm nghệ thuật chuyên đề nude được tổ chức tại Hà Nội do Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh tổ chức. Triển lãm ảnh này sau một thời gian dài gây dư luận nhiều chiều cũng đã đi đến quyết định bất ngờ, gỡ bỏ việc dán nhãn 18+, tức là không còn hạn chế người xem dưới 18 tuổi.
PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh, xung quanh vấn đề này.
° PHÓNG VIÊN: Nghệ thuật nude đã có ở phương Tây từ rất sớm, nhưng quan điểm văn hóa Việt Nam thì còn khá mới mẻ. Điều gì đã dẫn tới quyết định cho mở một triển lãm như vậy ở Hà Nội?
° Ông VI KIẾN THÀNH: Ảnh nude nghệ thuật từ trước đến nay vẫn được chọn để trưng bày, thực ra chỉ thiếu các triển lãm chuyên đề. Về chủ đề nude thì triển lãm này là lần thứ 3.
Lần đầu là triển lãm của nghệ sĩ Hạo Nhiên, sau đó là triển lãm của nghệ sĩ Thái Phiên và triển lãm tại Hà Nội lần này có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả tham gia nhất.
Triển lãm do cơ quan quản lý tổ chức để tháo gỡ nút thắt trong tư duy, sự e ngại của giới sáng tác cũng như của người xem trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, triển lãm cũng khẳng định nude là đề tài được đánh giá bình đẳng trong các đề tài sáng tạo. 
Bình đẳng khi đánh giá về ảnh nude ảnh 1 Ông Vi Kiến Thành
Triển lãm riêng về đề tài này luôn được cho là nút thắt lớn không chỉ với người hoạt động nghệ thuật mà với cả công chúng, làm hạn chế trong sáng tác và cảm thụ, thưởng thức nghệ thuật.
Việc cơ quan quản lý đứng ra tổ chức triển lãm đặc biệt này với mong muốn đưa tới cho công chúng sự nhìn nhận chuẩn mực về một thể loại lâu nay được coi là nhạy cảm.
Nude cũng là đề tài, nội dung sáng tác bình đẳng như những đề tài khác và nó vẫn chịu mọi điều chỉnh của Nghị định 72, không có ưu đãi cũng không có rào cản nào. Triển lãm cũng nhằm khẳng định điều này.
° Ban đầu triển lãm này được gắn nhãn 18+, thậm chí ban tổ chức còn dự tính đưa ra nhiều phương án để kiểm soát chặt chẽ đối tượng người xem. Liệu có phải vì sức ép dư luận mà quyết định này thay đổi?
° Hiện nay chưa có con số nào đánh giá có bao nhiêu phần trăm ủng hộ hay không ủng hộ việc gắn nhãn 18+ cho triển lãm. Chỉ có điều, dư luận xã hội ban đầu ủng hộ việc không 18+, nhưng giờ này một số báo lại muốn gắn mác 18+.
Là đơn vị tổ chức, tôi khẳng định đúng là ban đầu khi hình thành ý tưởng tổ chức triển lãm, chúng tôi dự định sẽ hạn chế người dưới 18 tuổi vào xem. Thậm chí còn bàn tới phương án sẽ có cán bộ của trung tâm kiểm soát chứng minh thư của người xem.
Nhưng trong quá trình tiếp cận, các giám tuyển kiểm tra các tác phẩm, tiếp cận 100 tác phẩm ảnh được mời tham dự và họ đã gạn lọc kỹ để có những tác phẩm tốt nhất.
52/100 tác phẩm được chọn là tác phẩm thuần túy nghệ thuật, ca ngợi vẻ đẹp tạo hóa, tạo hình của nghệ thuật ánh sáng và vẻ đẹp của cơ thể phụ nữ Việt Nam một cách nhân văn, thẩm mỹ, thánh thiện. Cái gọi là có tác động không tốt đến người xem lứa tuổi nhỏ đều được các giám tuyển loại bỏ. Vì vậy không cần thiết phải dán nhãn 18+ nữa.  
° Lằn ranh giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật trong nghệ thuật nude rất mong manh. Liệu có chủ quan khi từ những triển lãm đầu tiên này đã tháo bỏ việc hạn chế độ tuổi người xem?
° Theo tôi, đây là triển lãm tốt, trình bày dàn dựng chuyên nghiệp và cho người xem một đối chứng để phân biệt được ảnh nude trôi nổi trên mạng, những ảnh nude khiêu dâm, gợi dục với những triển lãm nghệ thuật. Lằn ranh mong manh, đúng như vậy, nhưng cũng vì thế mà cần giúp người xem tiếp cận với nghệ thuật thuần túy để họ có cơ sở đối chứng, phân định rõ ràng. 
° Với đối tượng khán giả là vị thành niên, khó có năng lực cảm thụ như những người trưởng thành, cần có giải pháp gì đặc biệt để loại bỏ những tác động tiêu cực?
° Thực ra trên mạng xã hội đang tràn ngập ảnh nude, thậm chí là ảnh nude phi nghệ thuật và có tác động không tốt. Triển lãm được tổ chức với mong muốn đem tới một cách nhìn chân thực về nghệ thuật. Nghệ thuật thị giác phải xem trực tiếp tác phẩm để tự mình giải đáp.
° Với đề tài chuyên biệt như vậy, ban tổ chức có nghĩ tới việc bán vé để người xem có thể chủ động tiếp nhận nghệ thuật, thay vì mở cửa tự do. Việc bán vé lâu nay cũng từng được coi là một biện pháp lọc kỹ thuật để người xem có ý thức hơn trong việc tiếp nhận nghệ thuật?
° Triển lãm bán vé khá phức tạp, bởi phải được Bộ Tài chính cho phép, rồi nộp thuế… Một số người cũng nêu ý tưởng coi bán vé là một biện pháp lọc kỹ thuật để hạn chế người xem. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định, các giám tuyển đã làm việc rất nghiêm túc và chặt chẽ, loại bỏ những nội dung có thể gây ảnh hưởng tiêu cực, vì vậy cũng không cần phải có biện pháp hạn chế nữa. 
Bình đẳng khi đánh giá về ảnh nude ảnh 2 Vũ Điệu của tác giả Lê Quang Châu
° Một số ý kiến lo ngại rằng, hoạt động được coi là mang tính chất gỡ nút thắt này, sẽ mở đường cho hàng loạt triển lãm mỹ thuật có chủ đề tương tự?
° Tôi không nghĩ như vậy. Cũng có người đã hỏi tôi rằng, có thể bung triển lãm nude một cách ào ạt? Tại sao có chuyện đó được. Vì việc chúng ta làm phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, dù triển lãm nội dung gì thì cũng phải thực hiện theo Nghị định 72 về quản lý nghệ thuật nhiếp ảnh, tức là cơ quan quản lý phải thẩm định về nội dung.
Nếu có vấn đề thì không cấp phép. Sẽ không có chuyện bung ra muốn làm gì thì làm.
Ngay tại triển lãm này, với những tác phẩm lộ danh tính của người mẫu, người trong tác phẩm, chúng tôi cũng yêu cầu phải có văn bản thỏa thuận giữa các bên theo đúng quy định, tránh những tranh cãi không cần thiết.
° Vừa qua, tại TPHCM, triển lãm cơ thể người sau khi mở cửa một thời gian ngắn đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều, dẫn tới việc chính đơn vị cấp phép đã ra quyết định dừng. Tại sao lại có sự chênh nhau trong quản lý giữa cấp trung ương và địa phương như vậy?
° Đây là triển lãm thuộc đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định về Triển lãm được xây dựng và trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới. Do nghị định này chưa được ban hành, nên việc các địa phương lúng túng trong việc quản lý tại thời điểm này cũng dễ hiểu.
Dự thảo Nghị định về Triển lãm được xây dựng với độ mở khá lớn để có thể bao quát, điều chỉnh các hoạt động liên quan tới triển lãm. Trừ triển lãm hội chợ theo Luật Thương mại, triển lãm xuất bản phẩm theo Luật Xuất bản, triển lãm cổ vật theo Luật Di sản, những triển lãm còn lại đều rơi vào phạm vi điều chỉnh của nghị định này. Hy vọng rằng, khi nghị định được thông qua, sẽ đưa hoạt động triển lãm vào khuôn khổ.

Tin cùng chuyên mục