Bình Ba bội thu tôm hùm

Những ngày giáp tết, ở đảo Bình Ba (xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), ngư dân đang rộn ràng vào mùa tôm bội thu.

Người dân đảo Bình Ba, xã Cam Bình thu hoạch tôm hùm
Người dân đảo Bình Ba, xã Cam Bình thu hoạch tôm hùm

Giá cao kỷ lục

Do gần 80% số lồng nuôi tôm tại Khánh Hòa bị thiệt hại sau bão số 12 (năm 2017), nên thời điểm này thương lái đỏ mắt “săn” tôm hùm xuất bán cho Trung Quốc và thị trường nội địa. Anh Nguyễn Ngọc Huy, một thương lái ở Bình Ba cho biết, thời điểm này bắt đầu cao điểm của thu mua tôm dự trữ, một phần dành cho thị trường nội địa đón khách du lịch, nhưng nhiều nhất vẫn là xuất bán qua Trung Quốc dịp cuối năm. So với mọi năm, lượng tôm năm nay giảm hơn một nửa, nên giá cứ tăng lên từng ngày.

“Dù năm nay tôm hùm tại Bình Ba được mùa, nhưng dịp Tết Nguyên đán năm nay tôi lo các trung tâm du lịch nội địa sẽ “cháy” hàng khi lượng tôm hùm không đủ để thương lái thu gom xuất khẩu theo đơn đặt hàng, đặc biệt là tôm hùm bông”, anh Huy thông tin.

Không chỉ đến thời điểm này, mà từ cách đây vài tháng, thương lái đổ về Bình Ba mua tôm, thậm chí các bè tôm đã được đặt cọc từ trước để chủ bè không bán cho người khác. Giá tôm vì vậy tăng chóng mặt.

Theo anh Nguyễn Ngọc Huy, hiện nay Bình Ba nổi tiếng với tôm hùm bông. Loại tôm này được chia làm 3 loại: trên 1kg/con mua tại lồng là 2,2 triệu đồng/kg; từ 0,8-0,9kg/con có giá 2,1 triệu đồng/kg, từ 0,7kg/con trở xuống có giá 1,8-1,9 triệu đồng/kg. Các loại tôm xanh, tôm út, vốn chỉ tiêu thụ nội địa, nay cũng tăng gấp đôi so với thời điểm này năm ngoái. Theo các thương lái, với giá bán hiện tại, tôm hùm đạt giá cao nhất trong vòng 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Năm, một hộ nuôi tôm hùm tại Bình Ba cho biết, bè nuôi tôm của ông có 20 lồng nuôi và tôm phát triển ổn định, nhanh lớn. Dù chưa đến độ xuất bán, nhưng thương lái đã xuống tiền cọc cách đây hơn 1 tháng. “Với giá bán hiện tại, ước tính một lồng nuôi lời khoảng 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí’, ông Năm khoe. 

Giữ nghề nuôi tôm bền vững

Trước kia, người dân Bình Ba sống bấp bênh nhờ với nghề đánh bắt gần bờ, từ hơn 10 năm nay, người dân đã dịch chuyển qua nghề nuôi tôm hùm thương phẩm và đã thành công với nghề này. Theo ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, toàn xã có 1.300 hộ thì có khoảng 1.000 hộ nuôi tôm hùm. Hộ nuôi nhiều khoảng 100 lồng, thu về hơn 5 tỷ đồng; hộ nuôi ít khoảng 10 lồng cũng lời vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Nhưng đằng sau câu chuyện dân đảo bội thu tôm hùm, phải kể đến ý thức bảo vệ môi trường nuôi tôm ở đây. Người dân xã đảo từ sớm đã ý thức được rằng, chỉ có bảo vệ môi trường nuôi mới phát triển nghề bền vững… Minh chứng cho việc này là trong khi những vùng nuôi tôm khác thường bị nhiễm bệnh, thì ở vùng nuôi tôm tại đảo Bình Ba vẫn giữ được nguồn nước trong xanh cần thiết cho tôm phát triển, rất ít nhiễm bệnh.

Theo lãnh đạo xã Cam Bình, để giữ môi trường như hiện nay, từ năm 2010 xã đã thí điểm mô hình điểm thu gom rác thải, túi ni lông trên biển. Với vùng nuôi rộng lớn, xã lắp đặt 4 điểm thu gom rác nổi nằm rải rác giữa các bè nuôi để vận động ngư dân mỗi khi cho tôm ăn xong thì gom rác lại, rồi cho vào điểm thu gom. Cuối ngày có tổ gom rác dùng ghe chở vào đất liền tiêu hủy. Nhờ vậy, nhiều năm nay vùng nuôi Bình Ba ít ô nhiễm, tôm hùm ít bị dịch bệnh. Vậy nên cũng dễ hiểu khi Cam Bình là xã đảo nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa đạt được các tiêu chí cơ bản, nhân tố chính đó là nhờ nghề nuôi tôm hùm mang lại.

Tin cùng chuyên mục