“Biệt đội” giải cứu thú rừng

Để ngăn chặn nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép, Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam đã thành lập Nhóm bảo vệ rừng chuyên trách (BVRCT) hoạt động tại Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát, tỉnh Nghệ An. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam một nhóm chuyên trách về bảo vệ rừng, chống săn trộm động vật hoang dã được thành lập.
Hành trình vào rừng của “biệt đội” giải cứu thú rừng
Hành trình vào rừng của “biệt đội” giải cứu thú rừng

Bén duyên với rừng

Thành viên của nhóm này đều là những người khỏe mạnh, có kỹ năng đi rừng và đặc biệt yêu động vật hoang dã. Chính “biệt đội” giải cứu thú rừng (GCTR) này đã và đang giải cứu, ngăn chặn không để thú rừng rơi vào tay những kẻ săn bắt.

Lê Tất Thành, Nhóm trưởng Nhóm BVRCT là người nhiều tuổi nhất nhóm, sinh năm 1979. Thành học lâm nghiệp ra, trải qua nhiều việc trước khi đến với “biệt đội” GCTR. Anh từng làm việc cho một lâm trường ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An), sau sang Hồng Công làm thuê. Đầu năm 2018, Thành về quê đón tết cùng gia đình. Khi biết thông tin tuyển dụng vào “biệt đội” GCTR, anh cũng thi thử, nhưng không hy vọng nhiều vì hơn 170 hồ sơ mà chỉ lấy có 7 người. Nhưng thật bất ngờ, Thành được tuyển và được chọn làm trưởng nhóm. Việc thi tuyển rất căng và trải qua nhiều thử thách, đặc biệt người được chọn phải là người hiểu về rừng, có sức khỏe tốt và đặc biệt yêu động vật. Tháng 6-2018, Nhóm BVRCT chính thức đi vào hoạt động với 7 thành viên, hiện nay lên 15 thành viên. Trong số này, 11 người được chia ra “nằm” cùng kiểm lâm ở 11 trạm bảo vệ rừng, 4 người ở cùng Đội kiểm lâm cơ động của VQG Pù Mát.

Đầu năm 2019, kiểm lâm VQG Pù Mát phát hiện một nhóm 5 người Quảng Bình trong rừng. Lúc đầu nghĩ nhóm này đi tìm trầm, nhưng VQG Pù Mát không phải là “miền trầm”. Sau rồi họ cũng nói thật là đi tìm nấm. Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát, biết những người dân Quảng Bình này chính là những người đi rừng rất giỏi. Ông mời họ ở lại tham gia “biệt đội” GCTR. Có 2 người nhận lời, sau một người bỏ cuộc, còn lại Nguyễn Văn Huy (36 tuổi, người Phong Nha - Kẻ Bàng). Huy chính là người đã truyền lại kinh nghiệm đi rừng cho anh em trong nhóm, từ việc phát hiện dấu vết, cách xóa dấu vết cho đến cách nấu cơm bằng củi tươi... Huy yêu công việc của mình đến mức, có lần về thăm nhà, vợ bắt ở nhà nhưng anh lại trốn đi. Anh tâm sự rằng, qua việc đi GCTR anh mới phát hiện ra mình có duyên với công việc này. Chứ thực ra (lương 7,5 triệu đồng/tháng), anh ở nhà chạy xe tải của gia đình cũng kiếm thu nhập cao hơn, lại gần vợ gần con. 

Gian nan giải cứu thú rừng

Mỗi chuyến vào rừng kéo dài ít nhất 7 ngày, nhiều nhất 10-12 ngày. Mỗi tốp đi khoảng 6-7 người, gồm người của Nhóm BVRCT và kiểm lâm của VQG. Hành trang của các anh ngoài máy định vị, bản đồ, đèn, bật lửa còn phải cõng thêm khoảng 17kg gồm: tăng, võng, màn, gạo, mì gói, nước mắm, dầu ăn, thịt ướp muối, cá khô… Thời gian đầu, ăn những thứ này vẫn hợp miệng, nhưng dần dần anh em “không nuốt nổi” vì ngán. Sáng kiến được đưa ra là cõng theo ngan (vịt xiêm) và gà còn sống. Lần đầu, đem cột ngan, gà ở xa chỗ nghỉ, đêm xuống bị chồn, cáo ăn thịt mất. Sau đó rút kinh nghiệm phải cột ngay bên võng nằm. Vậy nên vào rừng, kỹ năng “biết đi” là rất quan trọng. Anh em thường xuyên bị tấn công bởi muỗi, vắt, ruồi vàng, rắn rết, thỉnh thoảng gặp cả heo rừng và chính những kẻ săn bắn. Có anh ngủ dậy, thò chân xuống dép rọ đụng ngay con rắn cạp nong nằm bên trong. Có lần chọn được một vị trí bằng phẳng để làm lán, ngó lên thấy một cành cây lớn đã khô sắp gãy. Lần nọ, chọn được một nơi bên khe, nhưng khi kiểm tra nước phát hiện có con tặc tè (một dạng đỉa nhưng nhỏ như sợi tóc), lỡ uống vào là rất nguy hiểm. Một đêm đang ngủ, nghe ầm ầm, bật đèn ngó xuống đã thấy nước lũ đổ về ngay dưới võng, may là chạy kịp.

Một cá thể động vật bị mắc bẫy được phát hiện, cứu hộ

Lê Tất Thành kể, có lần phát hiện hàng trăm chiếc bẫy dân săn bắt bỏ đi nhưng không phá, thú dính phải chết khô. Anh em chỉ biết đứng lặng, ngậm ngùi. Ngoài dùng súng, dân săn bắt dùng các loại bẫy như bẫy thòng lọng, bẫy phóng, bẫy kẹp… Có những khu vực địa hình hiểm trở, họ rào lại, chỉ chừa chỗ đặt bẫy, thú buộc phải đi qua nên dính. Ngày trước, những người này hoạt động khá tự do trong rừng. Họ dựng hẳn lán trại kiên cố, mỗi tốp 3-4 người để chuyên săn bắt thú. Khi bắt được các loài thú có giá trị kinh tế cao như khỉ, chồn, tê tê, rùa… họ tìm cách mang ngay ra khỏi rừng; còn các loại bình thường như heo rừng, nai, sơn dương… thì được sấy khô hoặc làm chuồng nhốt lại rồi tìm cách mang ra sau. Sau này, khi biết có “biệt đội” GCTR, dân săn bắt tách ra hoạt động đơn lẻ. Trước, họ dựng lán ngay bên khe suối, nay đánh lạc hướng bằng cách dựng lán ở xa rồi cõng nước về dùng. Để phát hiện được những người này, “biệt đội” phải lần tìm từng vết chân, hiện tượng cành cây bị gãy, bị chặt, thậm chí là ngửi… khói cũng được vận dụng để phát hiện lán trại.

Đam mê và trách nhiệm

Bước chân của anh em “biệt đội” GCTR đã và đang dần phủ khắp VQG Pù Mát. Những đỉnh núi như Khe Thơi, Khe Choăng, Cò Phạt, Khe He, Khe Bu, Khe Lai Thùng… đã trở nên quen thuộc. Đổi lại những vất vả, gian nan là nhiều con thú đã được giải cứu. Chỉ tính sơ bộ từ khi thành lập đến tháng 10-2019, “biệt đội” đã lội bộ trong rừng với tổng chiều dài hơn 4.500km, xử lý 213 người, phát hiện 4.655 bẫy, 49 súng, 11 kích cá, giải cứu 18 động vật còn sống, phát hiện 92 động vật đã chết. Vi Văn Đình, thành viên “biệt đội”, rưng rưng kể, nhiều lần phát hiện được bẫy thì con thú đã thoi thóp, không thể cứu được, anh em chỉ biết bất lực chứng kiến nó dần đi đến cái chết. Theo cảm nhận thì các con thú nhận biết được mình đến cứu nó. Khi gỡ bẫy là nó nằm im, hiền khô. Những con bị thương thì mang về cứu hộ, chăm sóc, những con khỏe mạnh được thả ngay. Đau lòng nhất là những lần phát hiện người ta bắn voọc và vượn. Như năm 2019, phát hiện 5 đối tượng bắn 2 con voọc xám tại Khe Bu. Nhóm này khai rằng, khi bắn con cái rơi xuống, con đực bỏ chạy, nhưng sau đó nó quay lại cứu con cái nên bị bắn chết luôn. 

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát, chia sẻ: “Từ khi đi vào hoạt động, Nhóm BVRCT đã phối hợp với kiểm lâm của vườn hoạt động rất hiệu quả. Tình hình đánh bắt hủy diệt nguồn lợi thủy sinh cơ bản được khống chế, chấm dứt tất cả các điểm nóng khai thác lâm sản và săn bắt động vật hoang dã. Phải nói rằng, những anh em tham gia nhóm này phải chịu thiệt thòi, gian khổ. Quả thật, phải có đam mê và trách nhiệm thì mới làm được công việc này, mới bảo vệ được rừng”.

Tin cùng chuyên mục