Biến tướng nhà ở riêng lẻ thành nhà mini

Trong khi chính quyền TPHCM siết chặt nạn phân lô bán nền thì tại một số quận huyện vùng ven lại phát sinh tình trạng xin phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng biến tướng chia thành nhiều căn phòng độc lập, nhà ở mini. Thực trạng này không chỉ phá vỡ quy hoạch mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. 

Xin một đằng, làm một nẻo 

Ông Dư Văn Khánh (ngụ quận 12, TPHCM) xin phép xây dựng nhà tại thửa đất (TĐ) 653, tờ bản đồ (TBĐ) số 8, phường Thạnh Lộc trên mảnh đất có diện tích 114,12m2, quy mô nhà trệt, tầng lửng. Trong khi thi công, chủ đầu tư xây thêm 6 cửa đi, 8 cầu thang, 8 vách ngăn phòng; tầng trệt tăng thêm 45,72m2, tầng lửng tăng thêm 68,4m2.

Với các hạng mục xây thêm, chủ nhà dễ dàng biến một căn nhà thành 6 nhà nhỏ, riêng biệt. Vụ việc đã được lực lượng thanh tra xây dựng phát hiện và lập biên bản xử lý.

Tương tự, ông Lê Văn Đôn xin phép xây dựng nhà ở tại TĐ 1407, TBĐ 28, khu phố 3B phường Thạnh Lộc trên khu đất có diện tích 75m2, quy mô 1 trệt 2 lầu. Khi xây dựng, chủ đầu tư trổ thêm 3 cửa, 3 cầu thang khu trệt, 3 cầu thang tầng 1 và 3 cầu thang tầng 2, tăng diện tích 45m2. Nếu lực lượng chức năng không ngăn chặn kịp thời, 1 căn nhà chỉ 75m2 đất sẽ biến thành 3 căn nhà nhỏ…

Biến tướng nhà ở riêng lẻ thành nhà mini ảnh 1 Nhà số 171/11, phường Thạnh Xuân, quận 12 được chia nhỏ thành nhiều căn từ một giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ 
Qua ghi nhận, tình trạng biến tướng trong xây dựng nhà ở không chỉ xảy ra ở phường Thạnh Lộc mà còn ở nhiều nơi trên địa bàn quận 12, TPHCM. Tại phường Thạnh Xuân, ông Phan Văn Nhi xin phép xây dựng nhà trên TĐ 1050, TBĐ 9 thuộc khu phố 4.

Ngày 10-9-2020, lực lượng thanh tra kiểm tra phát hiện chủ đầu tư thi công không đúng giấy phép. Tại tầng trệt phát sinh thêm 3 vách ngăn; lầu 1 tăng 6 vách ngăn, 1 ô cửa sổ; lầu 2 phát sinh 6 vách ngăn, 11 ô cửa sổ; lầu 3 phát sinh 6 vách ngăn, 11 ô cửa sổ.

Căn nhà ở riêng lẻ đã biến thành nhiều căn phòng độc lập, mục đích sử dụng có thể thay đổi, bán hoặc cho thuê. Cũng trên địa bàn phường Thạnh Xuân, bà Tô Cẩm Thúy xin phép xây dựng một nhà ở riêng lẻ tại số 171/11 đường TX 52 nhưng xây dựng đến 16 căn nhà mini riêng biệt. 

Theo số liệu từ Phòng Quản lý đô thị quận 12, chỉ trong thời gian ngắn (từ ngày 18-9 đến 15-10-2020), lực lượng chức năng đã phát hiện, lập biên bản xử lý 7 vụ vi phạm xây dựng xảy ra trên địa bàn các phường Trung Mỹ Tây, An Phú Đông, Thạnh Xuân, Thạnh Lộc. Hầu hết các vụ vi phạm đều xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ nhưng tự ý chia thành nhiều phòng, nhiều nhà mini.  

Chế tài nhẹ, quản lý lỏng lẻo

Theo UBND quận 12, tất cả các vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn khi phát hiện đều được lập biên bản và kịp thời ban hành quyết định xử phạt hành chính, thực hiện biện pháp khắc phục sai phạm và phạt tiền. 

Ngày 25-9-2020, UBND quận 12 ban hành quyết định (QĐ) xử phạt ông Dư Văn Khánh 15 triệu đồng; ngày 18-9-2020 ban hành QĐ số 437 phạt ông Lê Văn Đôn 15 triệu đồng; ngày 15-9-2020 ban hành QĐ số 4326 phạt ông Phan Văn Nhi 15 triệu đồng… Mặc dù, các vi phạm đã được lập biên bản, xử phạt nhưng tình trạng biến tướng trong xây dựng vẫn liên tục xảy ra gây phá vỡ quy hoạch và trật tự đô thị. 

Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi, Trung tâm tư vấn pháp luật tại TPHCM (Hội Luật gia Việt Nam), Nghị định 139/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, ngoài biện pháp khắc phục hậu quả, buộc khôi phục hiện trạng ban đầu còn có phạt tiền, mức phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng, “tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp” quy định tại Khoản 2 Điều 15, mức phạt tối đa chỉ có 30 triệu đồng. 

Mức phạt này chưa đủ sức răn đe, bởi khi ngăn chia căn nhà thành nhiều phòng, nhiều nhà nhỏ để bán sẽ thu được số tiền rất lớn so với tiền phải đóng phạt. 

Trong khi mức phạt tiền chưa đủ sức răn đe, nhiều vụ vi phạm khi bị lực lượng chức năng phát hiện thì chủ nhà đã thi công vào giai đoạn đã hoàn thiện, không ít trường hợp đã đưa vào sử dụng hoặc đã bán cho người khác.

Với lực lượng thực hiện giám sát trật tự xây dựng trên địa bàn các phường gồm thanh tra xây dựng, công an khu vực, cán bộ phường, tổ dân phố, nhưng sai phạm vẫn không được ngăn chặn từ đầu. Khi công trình nhà ở đã làm xong, có người vào ở hoặc bán cho người khác thì việc khắc phục sai phạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu sẽ gặp khó…

Tình trạng này không chỉ làm trái Chỉ thị 23 của Thành ủy TPHCM, trái quy định pháp luật về xây dựng nhà ở mà dẫn đến phá vỡ quy hoạch, để lại nhiều hệ lụy cho người dân và xã hội.

Tin cùng chuyên mục