Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam: Dung hòa giữa bác học và cộng đồng

Ngày 30-11, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Bách khoa toàn thư Việt Nam: Truyền thống và cộng đồng” do Ban Chủ nhiệm đề án biên soạn Bách khoa toàn thư (BKTT) Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức. 
PGS-TS Tạ Ngọc Tấn trình bày ý kiến tại hội thảo khoa học
PGS-TS Tạ Ngọc Tấn trình bày ý kiến tại hội thảo khoa học

Chọn phương án biên soạn

GS-TS Phạm Gia Khánh, Trưởng ban Biên soạn chuyên ngành y học, dược học, đánh giá, việc huy động trí tuệ cộng đồng trong hoạt động, biên soạn BKTT Việt Nam là một ý tưởng hay cần được luận bàn một cách rộng rãi và khách quan. 

TS Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nhìn nhận: “Việc mời cộng đồng tham gia biên soạn BKTT Việt Nam trong những điều kiện của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển nhanh chóng của Internet có thể sẽ mang lại những kết quả, thúc đẩy quá trình biên soạn BKTT Việt Nam. Bằng cách này, chúng ta có thể huy động được trí tuệ của toàn xã hội, huy động các nhà khoa học có tâm huyết với BKTT Việt Nam chung tay biên soạn các mục từ, tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học của các ban biên soạn chuyên ngành rút ngắn thời gian biên soạn, sớm hoàn thành việc biên soạn bộ BKTT Việt Nam”. 

Trái lại, theo GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Trưởng ban Biên soạn chuyên ngành thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, lưu trữ, những ưu điểm của phương thức cộng đồng chưa thể phát huy tốt trong điều kiện xã hội nước ta.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn dẫn chứng đánh giá của chính trang Wikipedia tiếng Việt: “Tính đến năm 2016, Wikipedia tiếng Việt đã ra đời được 14 năm, nhưng lượng thành viên tham gia không nhiều nên các bài viết chất lượng cũng khá ít, đa phần là các bài tương đối” và “Wikipedia tiếng Việt cũng thường xuyên gặp vấn đề thiếu nhân lực”; “Sự đánh giá của chính trang Wikipedia tiếng Việt cũng có thể là dự báo cho những rủi ro nếu lựa chọn phương thức cộng đồng cho bộ BKTT Việt Nam mà chúng ta đang chờ đợi”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn lưu ý.

GS-TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng, nếu muốn biên soạn bộ BKTT Việt Nam trở thành công cụ học tập, tra cứu chính thức, chuẩn mực thì lựa chọn tốt nhất là phương pháp bác học.

“Việc khắc phục những hạn chế của phương pháp bác học có thể giải quyết bằng cách tăng cường giải pháp tin học trong quản lý, huy động nguồn vốn xã hội để bổ sung một phần cho kinh phí nhà nước và sau khi hoàn thành có thể xuất bản trên môi trường mạng theo phương thức truy cập mở, qua đó thu thập ý kiến góp ý của cộng đồng để sửa chữa, bổ sung trong lần xuất bản mới”, GS-TS Tạ Ngọc Tấn nói thêm. 

Cần tận dụng môi trường Internet

Rõ ràng, 2 phương thức bác học và cộng đồng đều có những ưu thế và hạn chế riêng. Điều này đặt ra cho những người trong cuộc cần dung hòa như thế nào để có thể phát huy được thế mạnh của 2 phương thức.

Theo TS Đặng Xuân Thanh, khi có sự đóng góp của cộng đồng bên cạnh các học giả, chuyên gia có trình độ học thuật cao trong việc biên soạn chắc chắn sẽ có bất đồng xảy ra. Thực tế cho thấy, chân lý nói chung và chân lý khoa học nói riêng luôn cần được thảo luận và tranh luận, thậm chí là tranh cãi.

“Đương nhiên, mỗi cách làm bao giờ cũng có 2 mặt tích cực và khiếm khuyết. Chúng ta không ngại những tranh luận và tranh cãi này, thậm chí đó là những điều cần thiết để có thể đi đến những nội dung, những mục từ có tính khoa học, tính chuẩn xác và độ tin cậy cao”, ông Thanh bày tỏ. 

Theo chia sẻ của TS Đặng Xuân Thanh, thời gian tới, ngoài việc tham gia vào biên soạn với vai trò cộng đồng, ban chủ nhiệm đề án cũng sẽ lựa chọn một số nhà khoa học để tham gia biên soạn. Những thông tin được cộng đồng xây dựng không công bố ngay lập tức mà phải được nghiên cứu, biên tập lại một cách cẩn trọng và hoàn chỉnh trước khi đưa ra cộng đồng.

“Đương nhiên, khi đưa ra cộng đồng nó vẫn sẽ tiếp tục nhận nhiều ý kiến khác nhau. Quá trình đó sẽ tiếp tục lặp đi lặp lại. Và đó mới là cơ chế để chúng ta ngày một hoàn thiện hơn nội dung của BKTT. Như vậy nó mới đáp ứng yêu cầu mở của một BKTT”, ông Thanh cho biết. 

Một vấn đề cũng được quan tâm tại hội thảo chính là tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin với sự chung tay từ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và cả cộng đồng.

Theo TS Trần Thế Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ FPT (Trường Đại học FPT), BKTT Việt Nam cần tận dụng môi trường Internet để phân phối nội dung, tăng khả năng tiếp cận tri thức cho người Việt Nam. Cụ thể, BKTT Việt Nam cần có phiên bản điện tử trên Internet, miễn phí truy cập cho tất cả mọi người.

“BKTT Việt Nam cần biên soạn theo quy trình công khai minh bạch, tận dụng môi trường Internet và công cụ web để hoạt động soạn thảo. Mọi phiên bản, bổ sung, xóa bỏ đều nên được lưu trữ và công bố công khai, mọi trao đổi để đi đến thống nhất về nội dung đưa vào cũng được lưu trữ và công bố công khai. Điều này giúp người đọc, cộng đồng phát hiện lỗi”, TS Trần Thế Trung đề xuất.

Ngày 28-7-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1262/QĐTTg về việc phê duyệt đề án biên soạn BKTT Việt Nam gồm 35 quyển, bao gồm trên 70 ngành khoa học thuộc các khối. Ngày 26-6-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn BKTT Việt Nam, đã làm việc, nghe báo cáo tiến độ thực hiện đề án biên soạn BKTT Việt Nam và đề án phát triển hệ tri thức Việt số hóa (hỗ trợ cho đề án biên soạn BKTT Việt Nam). Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng đề cương các quyển chuyên ngành. Thay vì 35 quyển như trước, đề án có 39 quyển với khoảng 60.000 từ, mỗi quyển sẽ có 1.500-2.000 mục từ.

Tin cùng chuyên mục